Cập nhật: 19/04/2012 15:42:22 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần lớn dự báo rằng, lãi suất sẽ đồng loạt về 15,5% trong tháng 7 và tháng 8 tới.

Đa phần các nhận định từ phía các ngân hàng và chuyên gia đều cho rằng phải từ đầu quí 3, mặt bằng lãi suất cho vay mới thực sự giảm sâu, dù lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp đang giảm dần nhưng mức giảm vẫn chưa nhiều và chưa rộng như mong đợi.

 

Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần lớn dự báo rằng, lãi suất sẽ đồng loạt về 15,5% trong tháng 7 và tháng 8 tới.

 

Ông nói thực sự các gói vay với lãi suất giảm mà các ngân hàng công bố thời gian qua vẫn chủ yếu cho các đối tượng ưu tiên, chưa lan tỏa rộng, hoặc cũng chỉ có vài ngân hàng có vốn lớn, hạ lãi suất do chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

 

“Vấn đề của 6 tháng đầu năm tại các ngân hàng là giải quyết nợ xấu, nếu giải quyết được cơ bản thì mặt bằng lãi suất sẽ xuống sâu”, vị này khẳng định.

 

Lãi suất ở Ngân hàng Á Châu (ACB) hiện phổ biến ở 17,5%. Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải cho rằng, việc hạ lãi suất là nhu cầu tất yếu của thị trường. Ông Hải cho nói thêm rằng, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều muốn thực hiện điều này, vì vậy trong thời gian tới, lãi suất sẽ giảm xuống mạnh hơn.

 

Còn hiện tại, theo ông Hải, do các ngân hàng đang thăm dò tình hình hấp thụ vốn của doanh nghiệp và biên lợi nhuận để đưa ra mức lãi suất phù hợp nên họ chưa thể giảm nhiều.

 

Trao đổi trong một hội thảo gần đây, tiến sĩ Trần Du Lịch đánh giá rằng, việc giảm lãi suất như vừa qua là chậm chứ không nhanh. "Nếu còn chờ nữa thì tới thời điểm doanh nghiệp nín thở, tắt hơi sẽ không kịp cứu", ông Lịch nói. Theo ông Lịch, năm nay sẽ khó đạt mức tăng trưởng tín dụng 15-17% như mục tiêu của NHNN đã thông báo do doanh nghiệp sẽ rất dè dặt vay vốn, vì những khó khăn gặp phải khiến họ lo ngại không trả được nợ.

 

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc Phòng Kinh doanh vốn và thị trường tiền tệ của Ngân hàng HSBC cho rằng, quyết định của NHNN đã được thị trường trông đợi và sẽ giúp giảm chi phí vay vốn của người dân và doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hết sức cần thiết trong bối cảnh GDP quí 1 chỉ tăng 4,1%.

 

Trong thời gian qua, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã giảm. Đối với kỳ hạn dưới 3 tháng, thị trường liên ngân hàng đã giao dịch dưới 12% trong thời gian gần đây. Do đó, việc cắt giảm lãi suất của NHNN là hoàn toàn hợp lý khi đưa mặt bằng lãi suất tiền gửi sát với lãi suất thực của thị trường.

 

Trong khi đó, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright khi nói đến quan điểm áp trần lãi suất cho vay thay vì trần lãi suất huy động, ông cho rằng không nên áp dụng bất cứ trần nào vì sẽ làm méo mó thị trường tín dụng.

 

Ông nói nếu áp lãi vay sẽ làm triệt tiêu cơ sở phân loại khách hàng và đánh giá rủi ro của ngân hàng. Công cụ duy nhất hiện tại của ngân hàng là lãi suất, với doanh nghiệp nhiều rủi ro, lãi suất cho vay cao, nếu rủi ro thấp thì lãi suất cũng giảm theo. Còn nếu áp trần lãi suất tiền gửi thì bất công cho người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền nhỏ và vừa (những người có tiền lớn vẫn được hưởng lãi suất cao hơn và được cho vay với lãi suất mình muốn).

 

Ông Anh cho rằng, khi chặn không nên chỉ chặn 1 đầu, chắc chắn sẽ tạo ra vấn đề, mà nên chặn cả 2 hoặc bỏ cả 2. Nếu chặn thì đưa ra mức trần gửi là 12% và cho biên lợi nhuận hợp lý là 3-4% thì lãi suất tối đa là 15-16%.

 

Việc áp một đầu lãi suất khiến cho một nhóm được hưởng lợi thế trong khi người nghèo, doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu thiệt hại. Nếu bỏ trần lãi suất mà hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được thực hiện hiệu quả thì sẽ không có một cuộc chạy đua lãi suất nào cả, vì Ngân hàng Nhà nước đã biết ngân hàng nào yếu và đã có biện pháp xử lý sát sao rồi.

 

“Trần lãi suất vẫn được duy trì thì có nghĩa là quá trình tái cấu trúc vẫn chưa có kết quả và chúng ta sẽ phải tiếp tục chờ”, ông Anh nói./.

 

 

Theo Thanh Thương

Thời báo KTVN

Tệp đính kèm