Mới đây, Hội nghị trực tuyến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các Đoàn đại biểu Quốc hội về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Báo cáo tóm tắt Đề án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là quá trình phân bổ lại các nguồn lực trên phạm vi quốc gia và toàn bộ nền kinh tế để liên tục nâng cao hiệu quả chung của nền kinh tế. Kết quả của tái cơ cấu kinh tế là hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn.
Theo Đề án, tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế bao gồm các bộ phận hợp thành: Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại; tái cơ cấu thị trường chứng khoán và các định chế tài chính; tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phát triển mạnh về quy mô và nâng cao chất lượng doanh nghiệp dân doanh; tái cơ cấu ngành kinh tế và cơ cấu vùng kinh tế theo hướng cơ cấu lại các ngành và dịch vụ phù hợp với các vùng, điều chỉnh chiến lược thị trường, tăng nhanh giá trị nội địa và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán là nhiệm vụ ưu tiên đầu tiên phải thực hiện của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Tái cơ cấu ngành kinh tế và vùng kinh tế là nhân tố chính, vừa trực tiếp cải thiện hiệu quả phân bố của nền kinh tế, vừa thúc đẩy hình thành cơ cấu kinh tế năng động và linh hoạt hơn, có năng lực cạnh tranh và tiềm năng phát triển cao hơn.
“Các bộ phận hợp thành nội dung cơ bản của Đề án tái cơ cấu nền kinh tế liên quan và kết nối với nhau thành hệ thống, phối hợp và bổ sung cho nhau, cùng tác động theo hướng liên tục và không ngừng nâng cao hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả phân bố của nền kinh tế; qua đó hình thành cơ cấu kinh tế (cơ cấu ngành và vùng kinh tế) năng động và hợp lý hơn, năng lực cạnh tranh và tiềm năng phát triển cao hơn” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phân tích.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, tên gọi của Đề án chưa trùng với nội dung vì là Đề án tổng thể nên phải xác định toàn bộ những lĩnh vực phải tái cơ cấu và lộ trình thực hiện. Ủy ban Kinh tế cũng đề xuất xây dựng Đề án như một ma trận chính sách với ba trụ cột chính là 3 đột phá về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015. Trên cơ sở đó, triển khai các đề án thành phần, sắp xếp thứ tự ưu tiên và lộ trình thực hiện tái cơ cấu bao gồm những lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm trọng điểm cần thực hiện trước, những lĩnh vực thực hiện sau hoặc thực hiện đồng thời; tuy nhiên, có bước đi hợp lý tránh đột biến lớn, đổ vỡ.
Bên cạnh đó, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, việc tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện của Việt Nam nguồn lực bị hạn chế, cả về tài chính và nhân lực. Việc tính toán chi phí này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãnh phí. Ngoài ra, những tính toán về chi phí xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước…. là cần thiết để có giải pháp phù hợp.
Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá: Đề án đưa ra 13 nhóm giải pháp chủ yếu. Tuy nhiên, các nhóm giải pháp chưa có sự gắn kết với nhau cũng như chưa thực sự đồng bộ, gắn kết với các Đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và thiếu các giải pháp mang tính xã hội, môi trường. “ Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung một số giải pháp về mặt xã hội và bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Các giải pháp cần bám sát 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và được xác định thứ tự ưu tiên, lộ trình thực hiện, nguồn lực bảo đảm thực hiện” – Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên đề nghị.
Theo Đại biểu La Ngọc Thoáng – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, cần đánh giá thực trạng nền kinh tế trước khi xây dựng Đề án bởi “có đánh giá đúng thực trạng thì việc xây dựng Đề án mới có tác dụng”. Đại biểu cũng đề nghị cần có giải pháp cấp bách để "cứu" cho các doanh nghiệp ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay.
Đại biểu Trần Xuân Vinh – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần xây dựng lộ trình và bước đi cụ thể khi thực hiện Đề án; đặc biệt quan tâm những tác động, hệ lụy có thể gây ra trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Đại biểu Trần Xuân Vinh đề nghị làm rõ những ảnh hưởng về mặt kinh tế - xã hội đến cá nhân, doanh nghiệp khi tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế./.
Theo Kim Thanh/Báo điện tử ĐCSVN