Cùng với kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên đã đạt được kết quả bước đầu, vấn đề thứ hai là kinh tế vĩ mô, một mục tiêu quan trọng cũng bước đầu được cải thiện. Đó là diễn biến dễ nhận thấy của nền kinh tế đất nước sau 4 tháng đầu năm.
Sự cải thiện của kinh tế vĩ mô thể hiện ở nhiều nội dung, với cấp độ khác nhau.Trước hết là mất cân đối thương mại hàng hoá đã được thu hẹp.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 4 tháng ước đạt 334 tỷ USD, tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2011. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở cả hai khu vực, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt cao hơn khu vực kinh tế trong nước cả về kim ngạch tuyệt đối (20,65 tỷ USD so với 12,75 tỷ USD), cả về tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt được do cả 2 yếu tố, trong đó, do yếu tố tăng lượng cao hơn do yếu tố tăng giá (quý I kim ngạch tăng 24,1%, trong đó giá tăng 4,57%)
Qua 4 tháng, đã có 10 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, tăng 4 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường xuất khẩu, mới qua 3 tháng đã có 12 thị trường đạt trên 500 triệu USD, trong đó có 4 thị trường đạt trên 1 tỷ USD (Hoa Kỳ 4,19 tỷ USD, Nhật Bản 3,13 tỷ USD, Trung Quốc 2,75 tỷ USD, Hàn Quốc 1,23 tỷ USD).
Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 33,6 tỷ USD, tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của xuất khẩu. Do vậy, nhập siêu trong 4 tháng đầu năm nay đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước về kim ngạch tuyệt đối (0,2 tỷ USD so với 4,83 tỷ USD) và về tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu (0,6% so với 17,7%).
Khu vực kinh tế trong nước tuy vẫn còn nhập siêu lớn, nhưng cũng đã giảm so với cùng kỳ (kim ngạch tuyệt đối là 3,45 tỷ USD so với 6,17 tỷ USD và tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu là 27,1% so với 50,5%). Nhập siêu trong 4 tháng giảm mạnh là tín hiệu khả quan để cả năm sẽ không nhập siêu lớn như các năm từ 2007 - 2011 và thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch (tỷ lệ nhập siêu là 11- 12%, quy mô tuyệt đối là 12- 13 tỷ USD).
Tuy nhiên nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước giảm tương đối sâu. Nhiều mặt hàng nhập khẩu trong tháng 4 bị giảm so với tháng 3, như bông, vải, dây điện và cáp điện; tính chung 4 tháng bị giảm so với cùng kỳ năm trước, như sợi dệt, vải, xăng dầu...
Đây là điều mà các cơ quan điều hành cần lưu ý, vì nó là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp của khu vực kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhập siêu giảm mang lại nhiều niềm vui, nhưng cũng có những nỗi lo, trong đó lo nhất là nhập khẩu giảm là hậu quả của sự suy giảm tăng trưởng sản xuất ở trong nước và đến lượt nó, lại có thể làm cho tăng trưởng sản xuất trong nước bị suy giảm theo.
Thứ hai, nhập siêu giảm, cùng với các nguồn ngoại tệ khác (lượng kiều hối, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam...) đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam. Trong quý I, cán cân vãng lai ước thặng dư gần 2 tỷ USD; cán cân vốn và tài chính cũng thặng dư..., nên cán cân thanh toán tổng thể ước thặng dư đạt 2 tỷ USD- được cải thiện đáng kể so với năm trước.
Thứ ba, với sự cải thiện của cán cân thương mại, cán cân thanh toán tổng thể, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt, ở mức khoảng 9 tuần nhập khẩu, đây cũng là mức tăng so với cuối năm 2011 và tăng khá so với cuối 2010.
Đáng lưu ý, dự trữ ngoại tệ tăng, nhưng giá USD trên thị trường cơ bản ổn định. Tốc độ tăng giá USD, nếu năm 2008 tăng 6,31%, năm 2009 tăng 10,7%, năm 2010 tăng 9,68%, thì năm 2011 chỉ tăng 2,24%, 4 tháng đầu năm 2012 giảm 1,06%. Đây là một kết quả kép, góp phần quan trọng vào việc giảm áp lực tâm lý đối với lạm phát, củng cố lòng tin vào đồng tiền quốc gia.
Có thể nói 2 mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã đạt được những kết quả bước đầu. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần nghiên cứu việc khắc phục hiệu ứng phụ của các giải pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khoá đối với sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội cũng là 2 mục tiêu lớn trong kế hoạch cả năm.
Theo Đào Ngọc Lâm/Chinhphu.vn