Cập nhật: 16/06/2010 15:48:09 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời gian gần đây, khí hậu nước ta đang có những diễn biến bất thường. Nhiều "kỷ lục" khí tượng khắc nghiệt nhất trong lịch sử hơn 100 năm đã được ghi nhận. Sự tác động qua lại giữa hai hiện tượng nước biển dâng kéo theo nhiều hiện tượng khí hậu bất thường và trạng thái thời tiết ấm gây ra những đợt nắng nóng kéo dài diễn ra tại Việt Nam được dự báo sẽ gây nên tình trạng thời tiết rất phức tạp.

Nắng nóng và khô hạn nghiêm trọng

 

Số liệu thống kê của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương thời gian gần đây cho thấy, từ tháng giêng đến tháng ba vừa qua, nền nhiệt trên phạm vi cả nước luôn cao hơn so với mức trung bình nhiều năm. Nhiệt độ trung bình vượt chuẩn từ 0,5 đến hơn 2,5, rõ nhất là phía bắc từ tỉnh Hà Tĩnh trở ra. Nắng nóng xảy ra sớm vào tháng hai, tháng ba khiến nhiệt độ miền bắc cao hơn mức trung bình tới 3 độ C, có nơi lên tới 5 độ C. Trong khi đó, lượng mưa lại rất ít. Tổng lượng mưa từ tháng 10 năm 2009 đến nay tại các tỉnh Bắc Bộ phổ biến ở mức thấp, hụt 70-90% so với mức trung bình, có nơi hoàn toàn không mưa. Tổng lượng mưa trong các tháng đầu năm trên phần lớn diện tích nước ta dao động từ nhỏ hơn 50 đến 200 mm. Mưa ít, nắng và nhiệt độ cao hơn bình thường khiến tổng lượng bốc hơi tăng cao.

 

Tình trạng thời tiết đó khiến các tỉnh miền bắc hạn hán nghiêm trọng. Tổng lượng nước ở ba hồ Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà thiếu hụt so với cùng kỳ 2009 lên đến khoảng 1,976 tỷ m3. Mực nước trên toàn hệ thống sông ở mức rất thấp, xảy ra trên diện rộng và kéo dài trong nhiều tháng. Nguồn nước các sông giảm nhanh và đều ở mức nhỏ hơn trung bình nhiều năm từ 35-65%, trong đó thiếu hụt nhiều nhất ở lưu vực sông Lô, sông Hồng và sông Thái Bình. Mực nước thấp nhất tuyệt đối ở thượng lưu, trung lưu sông Ðà, sông Thao, sông Lô và hạ du sông Lô, sông Hồng, sông Thái Bình từ tháng 10 năm 2009 đến nay luôn thấp hơn các trị số thấp nhất nhiều năm trong chuỗi số liệu thực đo từ trước đến nay. Ðặc biệt, từ tháng 10- 2009 đến nay, mức nước hai hệ thống sông Hồng và Thái Bình luôn ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử hơn 100 năm qua. Kết quả quan trắc cho thấy, từ tháng 2 đến tháng 4-2010, dòng chảy trên các sông từ thượng lưu cho tới hạ lưu tiếp tục ở mức rất thấp và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 45 - 70%. Dòng chảy trung bình trên sông Hồng tại Hà Nội từ tháng hai đến tháng tư ở mức 450 - 500 m3/s, bằng một nửa so với trung bình nhiều năm. Dòng chảy trên sông Mê Công cũng đang giảm mạnh và luôn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ. Tại một số nơi vùng thượng nguồn, mực nước đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc.

 

Nắng nóng và sự bất thường của khí hậu chính là nguyên nhân trực tiếp khiến tình trạng hạn hán, thiếu nước xảy ra nghiêm trọng và kéo dài trên diện rộng. Hệ quả tất yếu là thiếu nước cho sinh hoạt và trồng trọt, tình trạng nhiễm mặn đã xâm nhập sâu về phía thượng nguồn. Tình hình sản xuất và sinh hoạt của người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các bệnh viện sau mỗi đợt nắng nóng đều trở nên quá tải bởi lượng người già và trẻ em nhập viện tăng vọt. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra tại các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên, tại TP Hồ Chí Minh cũng khiến cho cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây bị đảo lộn nghiêm trọng...

 

Xuất hiện kiểu thời tiết cực đoan

 

Thực tế cho thấy, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết nước ta đang ngày càng trở nên "đỏng đảnh" . Các hiện tượng "hiếm gặp"  xảy ra ngày càng nhiều, như đợt không khí lạnh gây rét đậm rét hại kéo dài 38 ngày ở Bắc Bộ trong tháng 1 đến tháng 2-2008; nước sông Hồng cạn xuống mức thấp kỷ lục (0,47m) trong năm 2009... Chỉ riêng trong tháng 1-2010 cũng đã xảy ra hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan: áp thấp nhiệt đới xuất hiện ở Nam Bộ vào ngày 18-1 (trong khi mùa bão ở Nam Bộ thường kết thúc cuối tháng 11 hằng năm); đợt mưa to kéo dài từ ngày 19 đến ngày 21-1-2010 lượng mưa đạt tới 60 mm trái ngược với quy luật thông thường là vào thời điểm này, lượng mưa ở Hà Nội chỉ đạt từ 18 - 20 mm. Ngay thời điểm giáp Tết Nguyên đán vừa qua, nắng nóng như mùa hè đã diễn ra, thậm chí kéo dài gần 10 ngày, trong khi vào thời điểm này, nền nhiệt độ ở các tỉnh khu vực bắc và Trung Bộ rét hoặc rét đậm. Tính thất thường của thời tiết còn thể hiện rất rõ ở việc liên tiếp thay đổi trong thời gian rất ngắn, bỏ qua quy luật.

 

TS Crít-tốp-phơ Phi-en, Giám đốc văn phòng sinh thái toàn cầu, Viện Nghiên cứu Carnegie trong Hội nghị Quản lý rủi ro các thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức mới đây đã khẳng định, nước biển dâng, nắng nóng kéo dài sẽ gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan tại Việt Nam. Ðiều này cũng trùng hợp với dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương là trong năm 2010 khí hậu, thời tiết nước ta sẽ có nhiều biến động bất thường. Ðáng lưu ý nhất, nhiệt độ trên phạm vi cả nước sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Trong những tháng mùa hè, các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra các đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài hơn năm 2009. Nhận định về tình hình mùa mưa bão sắp tới, nhiều chuyên gia khí tượng khẳng định: Thời tiết trong những tháng tới vẫn phức tạp, mưa tiếp tục thiếu hụt, nắng nóng xảy ra gay gắt, tình trạng thiếu nước ngày càng căng thẳng và đỉnh điểm của nắng nóng sẽ cao hơn so với năm 2009. Khả năng vượt chuẩn của nhiệt độ có thể xảy ra trên hầu hết diện tích nước ta với chuẩn sai dao động từ 1-2 độ C. Lượng mưa tiếp tục được dự báo sẽ thiếu hụt khoảng 200 mm nước. Trong mùa mưa, bão, lũ năm 2010, tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ có diễn biến phức tạp. Cần đề phòng bão mạnh, lũ lớn, lũ quét; sạt lở đất có khả năng xảy ra ở một số khu vực, đặc biệt tại các khu vực miền núi thuộc Bắc Bộ và Trung Bộ.

 

Trước ghi nhận về các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo năm 2010 tình trạng thời tiết dị thường sẽ thường xuyên xuất hiện. Nắng nóng bất thường, mưa trái mùa, mưa cục bộ lớn, bão lũ đến sớm... có thể diễn ra với cường độ mạnh. Nhiều khả năng các đợt nắng nóng năm 2010 sẽ gay gắt hơn năm 2009, nhiệt độ có thể đạt tới 41 - 42 độ C. Nguyên nhân là vào mùa hè, hiện tượng El-Nino đã bắt đầu giảm và trở về trạng thái trung gian (trị số nhiệt độ mặt nước biển ở trung tâm Thái Bình Dương dao động so với trung bình nhiều năm từ -0,5 độ C đến +0,5 độ C). Các số liệu thống kê cho thấy, vào những năm trung gian, các giá trị của các yếu tố khí tượng thường hay đạt tới điểm cực trị.

 

 

GS Lê Ðình Quang, Trung tâm Nghiên cứu khí tượng thủy văn và môi trường cho biết: Sự bất thường của thời tiết năm nào cũng xảy ra và gặp nhiều nơi trên thế giới, không riêng gì Việt Nam. Trước đây, những biến động này thường nhỏ và diễn ra rất nhanh nên người dân ít cảm nhận được. Nhưng đầu năm 2010, việc có mùa hè giữa mùa đông là dấu hiệu rõ nhất về biến đổi khí hậu. Phó Giám đốc Ðài khí tượng thủy văn khu vực Ðông Bắc Nguyễn Vũ Thắng cũng cho rằng: Rất khó có thể dự báo được các hiện tượng thời tiết cực đoan vốn luôn xảy ra bất ngờ. Vì vậy, quan trọng nhất là chúng ta không được chủ quan, cần chủ động xây dựng các biện pháp phòng tránh hiện tượng thiên tai bất thường. "Ðó là dấu hiệu báo trước cho chúng ta thấy năm 2010 có thể sẽ phải đối mặt với nhiều mối họa thiên tai khác nữa. Chúng ta cần phải có những biện pháp để chủ động phòng tránh những hiện tượng thiên tai bất thường này".

 

 

 

Theo Báo Nhandan Online

Tệp đính kèm