Cập nhật: 02/02/2011 08:42:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cứ vào dịp gần Tết, hầu như người có điều kiện tài chính đều muốn đổi tiền cũ lấy tiền mới để lì xì hoặc đi lễ chùa đầu Xuân. Đây là một thói quen hơn một nét văn hóa. Thói quen này đã, đang và sẽ gây ra những ảnh hưởng gì cho xã hội?

Đến trụ sở bất kỳ ngân hàng vào những ngày cận Tết, ta dễ dàng nhìn thấy nhân viên ngân quỹ của ngân hàng làm việc không ngơi tay. Nếu như vào những ngày thường, họ có thể có dăm ba phút ngưng nghỉ, nhưng vào dịp Tết hầu như không có nhân viên ngân quỹ nào có thể rời trụ sở đúng giờ như giới công chức văn phòng.

 

Vào những ngày gần Tết, các giao dịch rút tiền mặt và gửi tiền mặt từ cá nhân hoặc tổ chức gia tăng đột biến so với ngày thường do nhu cầu chi tiêu mua sắm hoặc gửi tiết kiệm từ những khoản lương thưởng, khoản thu cuối năm. Với số lượng giao dịch theo vòng xoay khép kín “đếm - giao - nhận - ký” cứ liên tục như thế, nhân viên ngân quỹ khá vất vả, từ đó dễ dẫn đến rủi ro kiểm đếm nhầm tiền.

 

Nay nếu kiêm nhiệm thêm công việc đổi tiền mới nữa, áp lực đối với nhân viên ngân quỹ trong những ngày cuối năm là rất lớn. Nếu lỡ đưa tiền thừa cho khách hàng mà không thể “truy đòi”, nhân viên ngân quỹ cứ “âm thầm” móc tiền túi ra mà đền cho ngân hàng. Nếu cả hệ thống ngân hàng mất thì giờ để đổi tiền mới và người dân bỏ dở công việc chạy đến ngân hàng để đổi tiền mới, sự lãng phí về thời gian và nguồn lực của toàn xã hội là vô cùng to lớn.

Đổi tiền mới làm gì?

 

Nhiều lý do lắm, nào là lì xì mừng tuổi cho con cháu, đi lễ chùa vái Phật trong những ngày đầu Xuân, mặc dù những nơi thờ phượng tôn nghiêm không quy định phân biệt tiền mới - tiền cũ từ bá tánh.

 

Đổi tiền mới cho ai?

 

Không thể kể hết, có khi là đổi tiền cho khách hàng, cho họ hàng, cho bạn bè, cho người thân, cho người mới quen… nói chung là đủ mọi thành phần có nhu cầu đổi tiền tập trung dồn dập vào đúng dịp gần Tết.

 

Đổi tiền mới ra sao?

 

Rất đơn giản. Khách hàng cầm tiền cũ đến ngân hàng, gặp nhân viên ngân quỹ nói số lượng cần đổi (nếu có). Căn cứ lượng tiền mới tại quỹ được phân bổ theo từng đối tượng, nhân viên ngân quỹ báo cho khách hàng số tiền mới có thể đổi được và hai bên cùng chứng kiến việc kiểm đếm và giao nhận tiền mới - tiền cũ ngay tại quầy.

 

Hầu như chẳng có ngân hàng nào viết ra cái gọi là “Quy trình nghiệp vụ đổi tiền mới-thu tiền cũ”, vì thực chất sau giao dịch đổi tiền mới, tài sản tiền mặt của ngân hàng không thay đổi về số lượng (có chăng là thay đổi về chất lượng tiền giấy). Vì vậy, việc đổi tiền mới là “thỏa thuận không văn tự”, tức không có chứng từ hạch toán hay bảng kê nộp tiền, và tất nhiên chẳng có ký tá gì ở đây.

 

Cái “quy trình” đổi tiền mới đơn giản như thế, nhưng lại ẩn chứa một số rủi ro và ảnh hưởng tiêu cực như sau:

 

- Bị cướp giật khi cầm tiền đến hoặc cầm tiền ra khỏi ngân hàng;

 

- Những rủi ro khác có thể có sau khi bị cướp tiền (té xe, chấn thương, tai nạn…);

 

- Kiểm đếm nhầm tiền do bất cẩn hoặc mất tập trung, thường là nhầm về số lượng thừa hoặc thiếu. Người bị nhầm có khi là nhân viên ngân hàng, có khi là khách hàng;

 

- Nếu không có ký nhận gì về việc đổi tiền mới, người nào bị nhầm thì “ráng chịu” thôi, vì không thể khiếu nại ai (đâu có chứng từ chứng minh một nghiệp vụ kinh tế mới vừa phát sinh);

 

- Nếu đổi tiền mới ngoài hệ thống ngân hàng, có khi phải trả một mức phí cực kỳ vô lý lên tới 45% như một số bài viết đã đăng tin trên báo chí và Internet.

 

Đôi khi ta phải tự hỏi sao dân mình hay nghĩ ra những chuyện làm khó nhau như việc đổi tiền mới với nhiều rủi ro như thế nhỉ? Tại một số nước láng giềng văn minh như Singapore hoặc Hong Kong, phong tục lì xì đầu năm là có, nhưng không ai quá đặt nặng vấn đề đổi tiền mới như chúng ta.

 

Nhu cầu đổi tiền mới trong dân vào dịp Tết là có thật, nhưng nhu cầu đó có thiết yếu hay không, có đáng để tập trung phục vụ vào một thời điểm cuối năm quá bận rộn hay không? Giá trị tinh thần giữa tiền mới - tiền cũ có thể khác nhau tùy theo tầm suy nghĩ của một vài cá nhân, nhưng chắc chắn giá trị sử dụng giữa tiền mới -tiền cũ là như nhau. Vì vậy, việc thu phí đổi tiền mới là bất hợp pháp.

 

Ngành ngân hàng có thể thực hiện một số việc cần thiết như:

 

- Chấm dứt hẳn việc đổi tiền mới cho nhân viên;

 

- Chỉ xem xét đổi tiền mới cho khách hàng theo tỷ lệ phân bổ nhất định (nếu có) vào ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, sau khi đã phục vụ xong các dịch vụ thiết yếu khác của khách hàng;

 

- Cán bộ nhân viên ngành tài chính - ngân hàng cần nêu gương trong việc loại bỏ dần thói quen đổi tiền mới dồn dập vào những ngày cuối năm, tránh tiếp tay cho những tiêu cực phát sinh từ bên ngoài.

 

Nhìn chung, sau khi cầm trên tay xấp tiền mới đổi tại ngân hàng, ai cũng cảm thấy hài lòng vì nhu cầu cá nhân của mình đã được đáp ứng, trong khi nhân viên ngân quỹ ngân hàng phải làm thêm “một việc không tên” nếu chiếu theo danh mục các loại sản phẩm/dịch vụ của ngân hàng, đó là chưa kể việc đổi tiền mới chẳng tạo thêm giá trị gia tăng nào cho xã hội.

 

Với thâm niên làm việc trên 20 năm trong ngành ngân hàng, tác giả bài viết không hề gặp khó khăn gì trong việc đổi tiền mới. Song, xét thấy những rủi ro có thể phát sinh và sự lãng phí thời gian không đáng có trong việc đổi tiền mới, tôi quyết tâm không đổi tiền mới trong dịp Tết Tân Mão 2011 này.

 

Vào cuối giờ giao dịch ngày 30/1/2011 trước khi ngân hàng chuẩn bị đóng cửa nghỉ Tết, cô nhân viên hành chánh văn phòng đến gặp tôi báo tin với vẻ mặt hớn hở: “Ồ may quá em mới có một ít tiền mới loại mệnh giá nhỏ rất được ưa chuộng trên thị trường, anh có đổi không nào?”. Tôi cười: “Em cứ giữ lấy mà dùng, chúc em ăn Tết vui vẻ!”.

 

Cô ấy đâu biết rằng: Tết nay tôi không dùng tiền mới!

 

 

 

Theo VnExpress

Tệp đính kèm