Kể từ ngày 1/3/2010, các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có thể bị phạt tới 500 triệu đồng. Đây là nội dung mới nhất trong Nghị định số 117/2009/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) của Chính phủ.
Đối với hành vi xả nước thải, tùy vào cấp độ vi phạm, lượng nước thải sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 500 triệu đồng, gấp hơn 7 lần so với quy định hiện hành (mức phạt tối đa là 70 triệu đồng). Ngoài ra, còn bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho đến khi thực hiện xong các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường…
Đối với hành vi vi phạm các quy định về BVMT trong nhập khẩu phế liệu, mức phạt quy định là từ 20 - 500 triệu đồng; ngoài ra còn tước quyền sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu từ 6 -12 tháng... Theo quy định hiện hành, thì mức phạt cao nhất đối với hành vi này chỉ tới 70 triệu đồng.
Đặc biệt, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính như trên, còn bị áp dụng một trong các hình thức xử lý như: Tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong các biện pháp BVMT cần thiết hoặc cấm hoạt động; buộc di dời đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường hoặc bị công khai thông tin về tình hình ô nhiễm và vi phạm pháp luật về BVMT trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo thống kê, năm 2009, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an), phối hợp với lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra, xử lý 4.545 vụ, 1.300 tổ chức, 3.128 cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. So với năm 2008, số vụ việc được Cục Cảnh sát Môi trường phát hiện, phối hợp xử lý tăng gấp 4 lần.
Năm 2009, Cục Cảnh sát Môi trường đã phát hiện và xử lý 4.545 vụ vi phạm pháp luật về môi trường (ảnh minh họa)
Trong đó có 594 vụ gây ô nhiễm môi trường; 322 vụ vi phạm quy định về quản lý, xử lý chất thải nguy hại; 21 vụ đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; 226 vụ vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã; 812 vụ xâm phạm, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên; 628 vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm ; 435 vụ vi phạm về thủ tục hồ sơ công tác bảo vệ môi trường; 483 vụ vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng, khu bảo tồn thiên nhiên… 3.401 vụ (1.057 tổ chức, 1.919 cá nhân) bị xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 28,755 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động và buộc di dời 79 cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Có 79 vụ, 109 bị can chuyển sang cơ quan điều tra khởi tố.
Lực lượng Cảnh sát môi trường Hà Nội phát hiện nhiều vụ vi phạm pháp luật môi trường nhất so với các địa bàn trong cả nước với 482 vụ, 493 đối tượng; TP. Hải Phòng đứng thứ 2 với 159 vụ và TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 3 với 132 vụ.
Điển hình là các vụ: 23 công ty thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam mua bán trái phép 546.870 lít dầu biến thế tải và hàng trăm tấn chất thải nguy hại; Công ty TNHH Đại Đông, Công ty TNHH Cao Thắng và Công ty TNHH Thương mại Thế Tường ở xã Đại Đồng, huyện Dĩ An, Bình Dương giả mạo hồ sơ hàng nhập khẩu để thông quan 2 container chất thải; Công ty Nông sản thực phẩm HaNoSa và cơ sở sản xuất rượu Thiên Long sản xuất rượu kém chất lượng, không có giấy phép.
Theo GD&TĐ Online