Cập nhật: 31/05/2010 16:12:51 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hoạt động buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) bắt đầu “nóng” tại các tuyến biên giới... Điều đáng nói là thực trạng này diễn ra thường xuyên và dù ngành chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Nóng bỏng vùng biên

 

Ông Nguyễn Nam Hải (Tổng cục Hải quan) cho biết, thời điểm này, những “tên đầu sỏ” buôn bán ĐVHD bất hợp pháp bắt đầu “xuất kích”.

 

Theo chân trinh sát của Phòng Cảnh sát môi trường (PC36), Công an tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi được chứng kiến những cú đánh ngoạn mục của lực lượng công an ở đây. Thượng tá Nguyễn Văn Dương, Phó trưởng phòng PC36 cho biết: “Những tên tội phạm trong lĩnh vực này hoạt động ngày càng tinh vi. Chúng luôn ẩn hiện, thay đổi xe, thậm chí thay đổi biển số ngay khi vận chuyển hàng nên lực lượng chức năng rất khó phát hiện”.

 

Trung tuần tháng 3/2010, các chiến sĩ cảnh sát giao thông của Công an Quảng Ninh đã kiểm tra và phát hiện xe ôtô mang biển kiểm soát 29X-... có chứa một lượng lớn ngà voi gồm 30 chiếc còn nguyên vẹn và 15 đoạn đã bị chặt rời giấu dưới sàn, cốp xe và trong nắp capô. Theo lời khai của các đối tượng, số ngà voi này được vận chuyển từ Nghệ An qua Móng Cái (Quảng Ninh) để bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên, lãnh đạo PC36 Công an Quảng Ninh khẳng định, đây chỉ là một trong hàng trăm vụ bắt giữ sản phẩm ĐVHD của cơ quan chức năng địa phương này.

 

Sông Ka Long những ngày cạn nước đã trở thành “chiếc cầu” cho những kẻ buôn bán ĐVHD tung hoành. “Việt Nam có 6 tỉnh biên giới giáp ranh Trung Quốc (Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh) với 21 tuyến đường qua lại chính thức giữa 2 quốc gia. Tại Quảng Ninh đã có nhiều vụ bắt giữ các đối tượng buôn bán ĐVHD như tịch thu vảy tê tê đến từ Inđônêxia; ngà voi từ châu Phi và các tàu vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh xuất phát từ Malaysia và Campuchia”, ông Govanni Broussard, Cơ quan phòng chống tội phạm ma tuý và tội ác của Liên Hợp quốc (UNODC) cho biết. Theo ước tính của cơ quan này, có đến hơn 90% ĐVHD được buôn bán trái phép sang Trung Quốc qua cửa khẩu của Quảng Ninh và Lạng Sơn.

 

 

Năm cuối cùng của chúa sơn lâm?

 

Những năm gần đây, Phòng CSMT (Công an tỉnh Quảng Ninh) đã phát hiện và bắt giữ 57 vụ với 7.612 cá thể, trọng lượng 8.152kg. Các ĐVHD chủ yếu là khỉ, gấu, ngựa, chồn, tê tê, chim, rùa, tay gấu, ngà voi...

 

Theo ước tính của Cảnh sát quốc tế Việt Nam (Interpol VN), lượng cầu hàng năm về động, thực vật hoang dã cho mục đích ẩm thực, dược liệu, sinh vật cảnh dao động trong khoảng 3.700 - 4.500 tấn (chưa kể hàng chục vạn cá thể, các loài chim, côn trùng). Hàng năm qua kênh hợp tác Interpol, lực lượng cảnh sát Việt Nam đã phối hợp với cảnh sát nước ngoài giải quyết, xử lý nhiều thông tin về tội phạm môi trường. Các vụ việc chủ yếu liên quan đến hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã quý hiếm như tê tê, khỉ đuôi dài, kỳ đà, gỗ pơmu... hoặc các sản phẩm quý hiếm như sừng tê giác, ngà voi...

 

Tội phạm trong lĩnh vực này tiếp tục có chiều hướng gia tăng, trong khi các cơ quan chức năng gặp không ít trở ngại. “Chúng tôi không có đủ kinh phí để đầu tư cho quá trình điều tra. Việc truy bắt các đối tượng cũng bị hạn chế do lực lượng mỏng và các đối tượng rất manh động”, Thượng tá Dương chia sẻ.

 

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của loại tội phạm này, TS. Scott Roberton thuộc Hiệp hội Bảo vệ động vật hoang dã (WCS), cảnh báo: “Năm 2010 có thể là năm cuối cùng chúng ta không còn hổ tự nhiên nếu không có hành động ngăn chặn buôn bán ĐVHD một cách quyết liệt”.

 

 

Theo Báo điện tử KTNT

Tệp đính kèm