Trong khuôn khổ chương trình tăng cường năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ động, thực vật hoang dã của VN, hôm qua (2/11), Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức hội thảo về kiểm soát buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép xuyên biên giới.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của rất nhiều các tổ chức quốc tế như: Cảnh sát Quốc tế (INTERPOL), Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hiệp quốc (UNODC), Mạng lưới Thực thi pháp luật về loài hoang dã ASEAN (ASEAN-WEN), Mạng lưới Kiểm soát buôn bán động thực vật hoang dã (TRAFFIC)….
Theo ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, đây là cơ hội để các cơ quan thực thi pháp luật của VN và các tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm trong đấu tranh chống nạn buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã trên phạm vi toàn cầu. Vấn đề này cũng nằm trong khuôn khổ thực thi các hoạt động của ASEAN-WEN, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và là thỏa thuận đa phương chủ yếu để kiểm soát việc buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã trên toàn thế giới.
Tại hội thảo, vấn đề bảo tồn và kiểm soát tình trạng buôn bán hổ nhận được sự chú ý từ cộng đồng quốc tế. Ông William Schaedla, Giám đốc TRAFFIC Đông Nam Á cho rằng, những cuộc thảo luận sâu và sôi nổi sẽ nhận được sự đóng góp chuyên môn từ các tổ chức địa phương và quốc tế, giúp việc đấu tranh chống nạn buôn bán trái phép các loài quan trọng như hổ được hiệu quả.
Sự kiện này diễn ra ngay sau Diễn đàn Bảo tồn Hổ quốc tế vừa được tổ chức tại St. Petersburg, Liên bang Nga. Tại diễn đàn, đại diện từ các quốc gia có hổ đã ký các cam kết nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ hổ, con mồi và sinh cảnh của chúng để đến năm 2022, số hổ hoang dã trên thế giới sẽ tăng hơn 7.000 cá thể so với khoảng 3.200 cá thể hiện nay.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam