Con đường để ma túy vào trại giam phổ biến nhất là thông qua hoạt động tiếp tế của người nhà, người thân quen của phạm nhân từ bên ngoài vào trại giam.
Tội phạm ma túy đã và đang tìm đủ mọi cách để len lỏi vào các trại giam, trại tạm giam- những nơi được coi là cấm kị với mọi hành động tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy và các vật cấm khác để thỏa mãn cơn nghiện của những phạm nhân là đối tượng nghiện ma túy.
Đại tá Phạm Văn Trị, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (C47) cho biết cả nước có khoảng 180.000 người nghiện, tuy nhiên vẫn còn một số lượng người nghiện các chất ma túy tổng hợp mà ngành chức năng chưa nắm hết được. Đại tá Phạm Văn Trị và ông Vũ Văn Minh đều đánh giá tội phạm ma túy đang diễn biến ngày một phức tạp và ảnh hưởng tới các trại giam, tạm giam.
Theo thống kê của VKSNDTC, trong số trên 41.000 người bị tạm giữ, tạm giam thì có 50% liên quan đến ma túy. Trong tổng số phạm nhân ở trại giam thì có tới hơn 40% là tội phạm ma túy và số người nghiện ma túy đang chấp hành phạt tù là gần 22%.
Trung tướng Cao Ngọc Oánh - Tổng cục trưởng Tổng cục 8 - Bộ Công an cho biết, hành vi đưa ma túy vào trại giam là vấn nạn phổ biến của các nhà tù trên thế giới, không riêng của Việt Nam. Theo khảo sát của Tổng cục 8 được báo cáo tại một Hội thảo gần đây về phòng chống ma túy trong trại giam, từ tháng 5/2005 - 5/2010, các đơn vị trại giam, trại tạm giam,... đã phát hiện, xử lý 1.717 vụ với 2.098 phạm nhân có hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó số vụ và số phạm nhân xảy ra tại trại giam là nhiều nhất với 1.689 vụ/2.076 phạm nhân.
Con đường để ma túy vào trại giam phổ biến nhất là thông qua hoạt động tiếp tế của người nhà, người thân quen của phạm nhân từ bên ngoài vào trại giam. Các đối tượng này thường gửi hiện vật (dầy, dép, sách, vở,...) mà bên trong có giấu ma túy và các vật cấm khác một cách tinh vi để lọt qua khâu kiểm soát.
Ngoài ra do nhiều cơ sở trại giam nằm sát khu dân cư nên nhiều đối tượng ở bên ngoài đóng gói ma túy cẩn thận rồi ném vào trong khu vực trại, sau đó chúng tìm cách liên lạc để báo cho phạm nhân biết địa điểm của ma túy để có thể đến lấy và sử dụng....
Trung tướng Cao Ngọc Oánh cũng thẳng thắn cho biết cũng có những chiến sỹ nghĩa vụ lợi dụng những sơ hở trong quản lý đã tiếp tay cho phạm nhân đưa ma túy vào trại. Tuy nhiên trường hợp này không nhiều, trong một, hai năm gần đây Tổng cục đã xử lý vài ba trường hợp tước quân tịch, trả về địa phương, có trường hợp nặng thì xử lý hình sự để răn đe đội ngũ cán bộ cũng như phạm nhân.
Nói về khả năng đấu tranh phòng, chống ma túy trong các cơ sở giam giữ, Trung tướng Cao Ngọc Oánh nhận định chưa thể chấm dứt ngay được và cảnh sát nói chung và cảnh sát trong trại giam phải tiến hành nhiều giải pháp để giải quyết triệt để./.
Theo Thành Chung/chinhphu.vn