Cập nhật: 18/04/2012 14:58:03 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đó là nhận định của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 tại cuộc họp báo được tổ chức chiều 17/4, tại Hà Nội.  Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên - Ủy viên, Tổ trưởng tổ giúp việc, Người phát ngôn của Ban Chỉ đạo chủ trì buổi họp báo.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, công tác tổng kết thi hành Hiến pháp tuy diễn ra trong thời gian ngắn và hết sức khẩn trương, nhưng các Bộ, ngành, địa phương đã rất nghiêm túc. Kết thúc giai đoạn 1, Ban Chỉ đạo đã nhận được 63 báo cáo tổng kết của địa phương, 30 của Bộ, ngành và 22 báo cáo chuyên đề.

 

Về chất lượng báo cáo, nhìn chung, nội dung đã bám sát yêu cầu tổng kết của Ban Chỉ đạo và cơ bản đạt chất lượng tốt, đặc biệt là các báo cáo chuyên đề.

 

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo tổng kết được thực hiện khá bài bản, khoa học thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo, phân công các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các báo cáo tổng kết. Đặc biệt, việc yêu cầu một số Bộ, địa phương tổng kết theo chuyên đề gắn trực tiếp với đặc thù quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoặc gắn với các vấn đề đang nổi cộm hiện nay đã giúp cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo có những cơ sở thực hiện vừa mang tính tổng hợp, vừa mang tính chuyên sâu, để chỉ đạo xây dựng báo cáo của Chính phủ tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992. Do vậy, phạm vi tổng kết của Chính phủ khá toàn diện, bao quát toàn bộ các vấn đề liên quan đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, trong đó, tập trung vào 4 nội dung chính về: Phân công quyền lực Nhà nước; quyền và nghĩa vụ của công dân; tổ chức hoạt động của HĐND, UBND và kỹ thuật lập hiến.

 

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, việc tổng kết thi hành Hiến pháp đã góp phần làm cho các Bộ, ngành, địa phương có nhận thức mới về tầm quan trọng của Hiến pháp, cũng như việc cần xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong tổ chức quyền lực Nhà nước.

 

Tuy nhiên, quá trình tổng kết của Chính phủ vẫn còn một số hạn chế do thời gian tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 quá ngắn và diễn ra vào thời điểm cuối năm nên các Bộ, ngành, địa phương nộp báo cáo chậm với tiến độ. Bên cạnh đó, sự chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp của các Bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng đều và chưa được quan tâm đúng mức, chưa có tính tổng kết cao về mặt thực tiễn….

 

Trong năm 2012, Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, làm sâu sắc thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho các kiến nghị, đề xuất trong báo cáo của Chính phủ, trọng tâm tập trung vào các nội dung liên quan đến cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước; vấn đề sở hữu đất đai và thành phần kinh tế; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; chính quyền địa phương và kỹ thuật lập hiến ... Đồng thời, chuẩn bị ý kiến tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các ý kiến chính thức về dự thảo Tờ trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội về các nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

 

Liên quan đến câu hỏi của báo chí về các nội dung kiến nghị, sửa đổi liên quan đến quyền công dân tại Hiến pháp 1992, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên khẳng định: Trong điều kiện hội nhập hiện nay, quyền con người và quyền công dân cần được đảm bảo mạnh mẽ, rõ ràng hơn. Đây là quyền cơ bản được ghi nhận trong Hiến pháp. Vì vậy, nó chỉ được tạo dựng và hạn chế bởi Luật. Việc sửa đổi phải thể hiện được trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng và đảm bảo quyền này. Mặt khác, cần làm rõ, phân biệt quyền con người và quyền công dân.

 

Đối với các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết, Hiến pháp cần phân biệt mô hình chính quyền địa phương, chính quyền nông thôn. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, một đạo luật sẽ cụ thể hóa tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương.

 

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cũng nhấn mạnh: Việc sửa đổi Hiến pháp lần này cần tập trung vào nội dung trọng tâm là đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước trên cơ sở kế thừa những nhân tố hợp lý trong tổ chức quyền lực, phân công quyền lực của Hiến pháp năm 1992; đổi mới sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; vấn đề sở hữu đất đai và thành phần kinh tế; kỹ thuật lập hiến.../.

 

 

Theo Thu Hằng/báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm