Theo đánh giá của Cục Cảnh sát biển, hiện nay hoạt động buôn lậu trên biển đang diễn biến hết sức phức tạp và khó khăn hơn bao giờ hết. Gian lận thương mại hiện có ở hầu hết các ngành hàng, trong đó nghiêm trọng nhất là mặt hàng: than, quặng, xăng dầu... Để giải quyết dứt điểm được tình trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải cùng vào cuộc.
Thủ đoạn gian lận tinh vi
Theo số liệu của Cục cảnh sát biển, chỉ tính năm 2012 và quý I năm 2013 lực lượng cảnh sát biển đã phát hiện, bắt giữ, tịch thu 9.606 tấn quặng các loại, trị giá trên 11 tỷ đồng, bắt giữ và tịch thu 1.774.127 lít xăng dầu nhập lậu. Thủ đoạn các đối tượng thường dùng với mặt hàng quặng là thường xuyên thay đổi tên và số phương tiện, tuyến hành trình của phương tiện; sử dụng hồ sơ, hóa đơn, chứng từ vận chuyển trong nước để đối phó với cơ quan chức năng. Khi phát hiện có lực lượng kiểm tra, các đối tượng thường chạy lòng vòng trên biển để tránh sự kiểm soát, sau đó vượt sang vùng biển nước ngoài để xuất lậu.
Mới đây, tại Hội nghị giao ban công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2013 của Ban 127 T.Ư, Thiếu tướng Nguyễn Quang Ngạn, lãnh đạo Cục Cảnh sát biển cho biết: Với mặt hàng xăng dầu, các đối tượng thường nhập lậu bằng đường biển vào Việt Nam với số lượng lớn. Khi về đến vùng biển Việt Nam, các tàu chở xăng dầu nhập lậu thông báo cho các tàu loại nhỏ từ trong bờ ra vị trí quy ước để sang mạn và sau đó đem đi tiêu thụ. Khi các tàu nhỏ ra biển để nhận xăng dầu đã chuẩn bị sẵn hóa đơn, chứng từ khống để hợp thức hóa xăng dầu nhập lậu và đối phó với lực lượng chức năng, gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động đấu tranh chống buôn lậu trên biển của lực lượng cảnh sát biển nói riêng, lực lượng chức năng nói chung. Đặc biệt, các chủ đầu nậu không trực tiếp thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới mà thường chỉ đạo gián tiếp cho các thuyền trưởng, người áp tải hàng trên tàu hoặc công ty trung gian, thậm chí có cả công ty ma. Do vậy, kết quả đấu tranh, xử lý buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới còn ít xử lý được chủ đầu lậu.
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Quang Ngạn, khó khăn hơn đối với lực lượng cảnh sát biển khi thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu quặng và xăng dầu là việc các đối tượng dùng hồ sơ mua, bán, vận chuyển quặng, khoáng sản đi nội địa để che dấu hành vi xuất lậu khoáng sản. Cụ thể có trường hợp, trên thực tế về thông tin nghiệp vụ lực lượng chức năng nắm được tàu sẽ vận chuyển khoáng sản nhập lậu nhưng khi kiểm tra ở khu vực biển gần bờ thì tàu vận chuyển khoáng sản vẫn chưa qua biên giới hoặc còn xa biên giới trên biển nên rất khó tiếp cận. Còn có trường hợp tiếp cận được thì các khoáng sản vận chuyển trên tàu lại có đầy đủ hồ sơ vận chuyển nội địa nên về lý không thể có căn cứ để đấu tranh đối với hành vi xuất lậu khoáng sản. Đây là thủ đoạn mà các đối tượng xuất lậu khoáng sản vẫn thường làm nhưng lại gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát.
Còn nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý
Thủ đoạn của những đối tượng xuất lậu quặng, nhập lậu xăng dầu trên biển tinh vi như vậy nhưng trong quá trình xử lý lại gặp nhiều vướng mắc. Đặc biệt, hiện nay các cơ quan giám định chưa phân biệt được nguồn gốc của xăng dầu là ở trong nước hay ở nước ngoài nên rất khó khăn trong công tác xử lý. Khi phát hiện có lực lượng kiểm tra, các đối tượng có hành vi nhập lậu xăng dầu thường phi tang hết các chứng cứ quan trọng xuống biển như: định vị, biên bản bàn giao nhận hàng với nước ngoài để sẵn sàng chấp nhận hành vi vận chuyên hàng hóa trái phép trên biển, xăng dầu không có hóa đơn chứng từ chứ không khai báo hành vi vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, vì vậy dù biết là đối tượng có hành vi nhập lậu xăng dầu cũng không thể xử phạt được.
Trước những khó khăn của lực lượng cảnh sát biển trong đấu tranh chống xuất lậu quặng và nhập lậu xăng dầu, Ban chỉ đạo 127/TƯ cũng đã có kiến nghị chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm có giải pháp quản lý chặt chẽ về điều kiện kinh doanh, chế biến, hồ sơ vận chuyển quặng nội địa, hạn chế việc vận chuyển quặng nội địa để các đối tượng không lợi dụng vào kẽ hở này để xuất lậu. Đặc biệt, Ban chỉ đạo 127/TƯ cũng đề nghị các bộ ngành liên quan cần kiểm tra chặt chẽ, cụ thể trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh đối với các mặt hàng kinh doanh, vận chuyển có điều kiện của doanh nghiệp. Thường xuyên giám sát, kiểm tra nếu không đủ điều kiện kinh doanh hoặc kinh doanh không đủ ngành nghề đã đăng ký thì kiên quyết xử lý vi phạm. Tránh tình trạng doanh nghiệp ma, doanh nghiệp lợi dụng để tổ chức kinh doanh vận chuyển hàng hóa không đúng đăng ký, xuất hóa đơn khống để hợp pháp hàng lậu, hàng không có nguồn gốc hợp pháp…
Ban chỉ đạo 127/TW cũng đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung các điều khoản về xử phạt hành chính đối với hành vi vận chuyển hàng hóa trái phép ở biển theo hướng tăng mức tiền xử phạt lên gần bằng hoặc bằng với giá trị hàng hóa mà đối tượng buôn lậu, mua, bán, vận chuyển trái phép, hàng hóa không có nguồn gốc hợp pháp. Bổ sung hình phạt là tịch thu phương tiện tham gia vận chuyển hàng lậu, hàng hóa trái phép trên biển nhằm răn đe các đối tương nhập lậu. Nâng cao hơn nữa công tác phối hợp giữa các lực lượng làm nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu…/
Theo Kim Dung /Báo điện tử ĐCSVN