Cập nhật: 23/03/2013 13:54:34 Article Rating
Xem cỡ chữ

“Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Câu ca dao này đến tận bây giờ vẫn còn đủ sức lay động lòng người như một nguồn năng lượng bất tận.

Chuyện kể rằng ngày xưa ở một làng nọ có hai cô bé mồ côi cha mẹ được một người hát xẩm đưa về nuôi và dạy cho các điệu múa bài hát. Một lần cô em bị ốm, cô chị đã đốt chiếc nhẫn quý của mình làm thành thuốc thần cứu sống em. Càng lớn, hai chị em càng trở nên xinh đẹp, hát hay múa giỏi nổi tiếng khắp nơi. Có một tên công tử khét tiếng độc ác từng làm mưa làm gió cả vùng nghe tiếng hai cô, hắn âm mưu bắt về làm vợ. Khi người cha nuôi phải đi xa, ông hứa sẽ mua tặng mỗi con một món quà. Cô chị xin cha một đôi hài màu trắng thêu chỉ vàng, còn cô em xin cha một đôi hài hồng thêu chỉ vàng. Thừa lúc đó, tên công tử đã cho người đến bắt cô chị đem về; để giữ trọn trinh tiết, cô đã gieo mình xuống hồ. Quá thương chị, cô em cũng trầm mình theo. Khi người cha nuôi trở về không thấy con, ông đi tìm hỏi và được biết chuyện. Bỗng nhiên, ông thấy trên mặt hồ xuất hiện những bông hoa màu trắng, màu hồng. Những cánh hoa xinh xinh tựa như dáng hài; ở giữa có nhụy vàng như những sợi chỉ thêu; những chiếc lá xòe to giống như những chiếc nón quai thao mà các cô thường đội; hương hoa tỏa thơm dịu dàng tinh khiết như tâm hồn hai chị em. Quá đau buồn, người cha bật khóc. Bất chợt, hai cô con gái từ dưới hồ hiện ra và bước lên đến cạnh ông. Cô chị kể lại chuyện: "Khi hai chị em con gieo mình xuống hồ đã được bà chúa hồ thương tình dang tay đón lấy và cứu sống. Bà rất quý chúng con, muốn chúng con ở lại với bà nhưng chúng con xin được về nhà chăm sóc cha. Bà đã đồng ý cho chúng con trở về với cha và tạo ra những đóa hoa kia tượng trưng cho hai chị em để bà luôn cảm thấy có hai con bên cạnh!”.

 

 Tôi đã có một thời gian sống ở Hà Nội. Trong thời gian ở đây, tôi hay đến Hồ Tây để thưởng ngoạn cái không gian đẹp hiếm có của đất trời ban tặng cho Thủ đô “Ngàn năm văn vật”. Có lần, trong giấc ngủ tôi mơ thấy mình đang bay là là trên một cánh đồng hoa sen, bên dưới là những đóa hoa sen nở rộ, mùi thơm ngan ngát đến nao lòng. Sáng hôm sau thức dậy, ngước nhìn qua cửa sổ, xa xa, tôi thấy một đầm sen mênh mang phủ kín mặt hồ. Thì ra, đêm qua Nàng Sen đã ướp hương cho giấc mơ của mình. Và tôi: Anh khướt say một chiều thu quyến rũ Tây Hồ mong một con sóng lăn tăn nhưng mặt nước vẫn vô cùng phẳng lặng. Trời trong xanh có thể đếm được những cọng mây lang thang về phương trời vô định. Xa xa cây liễu rủ như mái tóc em buông xõa xuống mặt hồ để đáy nước lung linh in bóng...

 

Trên đất nước mình nơi nào cũng có hoa sen, nhưng tôi cho rằng sen ở Hồ Tây của Hà Nội và ở Đồng Tháp Mười là những vựa sen của Việt Nam, mênh mang đất trời, đẩy cảm xúc của con người thăng hoa hơn hết. Khi đến mùa sen ra hoa, sen xanh mướt mát vô vàn những chiếc lá xen vào nhau, màu xanh, màu hồng, màu trắng tạo nên một bức tranh sống động mà không một nét bút của danh họa nào có thể mô tả nổi. Hoa sen khiến đất trời thêm dịu mát, nhất là trong những ngày hè oi bức. Nhưng sự hưng thịnh của thời đại nào rồi cũng đến hồi suy thoái, hết mùa, sen tàn, hoa lá xơ xác gieo vào lòng người một nỗi buồn vô cớ. Không còn nổi trên mặt hồ nhưng sen không chết, sự sống của loài hoa này nén lại trong củ, âm thầm dưới đáy hồ thủ thỉ cùng với những lớp bùn để đợi đến ngày vọt lên mà khoe sắc với thế gian. Mùa sen nở lộng lẫy đem đến niềm vui tươi mới, còn khi sen tàn lại cho người ta những phút giây ngẫm nghĩ ngậm ngùi về thân phận con người, về cuộc đời, về vòng tuần hoàn sinh tử trong cõi nhân gian. Sen như một biểu trưng cao cả của phẩm giá con người, đó là sự bền bỉ, âm thầm chịu đựng đợi đến một ngày bung nở giữa cuộc đời, hiến tặng cho cuộc đời những tinh túy của đất trời mà sen hấp thụ được.

 

Tháp Mười những ngày cuối tháng ba đã chuẩn bị vào mùa sen. Nhưng những vùng đìa nằm trong Gò Tháp của huyện Tháp Mười sen nở quanh năm. Khi đứng trước cánh đồng sen nở bát ngát, thôi thúc tôi muốn hòa mình vào sen, muốn tận tay sờ từng cánh hoa, ngửi từng búp non mới nhú, vuốt ve những chiếc lá sen mát rượi. Người dân Tháp Mười gắn bó với sen từ xa xưa, ngoài sức sống mãnh liệt của Sen mà còn vì sen đã trở thành một thương hiệu vĩnh hằng “Tháp Mười đẹp nhất hoa sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Sen ở Tháp Mười mọc từ ao hồ cho tới thấp thoáng trên ruộng lúa. Đến khi thu hoạch gương sen, ngoài việc hái ăn tại chỗ vừa giòn vừa ngọt, thì ăn hạt sen luộc lại bùi , hạt sen nướng thì thơm . Lá sen xanh gói cơm gạo huyết rồng ăn với cá kho tộ, đọt sen non cuốn cá lóc nướng trui chấm nước mắm me...

 

Hoa sen còn đẹp khi đã được ngắt khỏi đầm để yên vị trong những bình gốm nơi phòng trà, phòng khách. Nghệ thuật để cắm được một bình sen đẹp quả là không dễ. Làm sao để hài hòa cái cuống sen cao thanh tú với búp sen đầy căng nhựa sống? Làm sao để cho một cách tự nhiên một cánh sen rớt xuống lộ ra một phần gương sen bên cạnh những búp sen vẫn còn tươi mởn? Nhưng nếu cắm được một bình sen, thì nó sẽ trở thành điểm nhấn và tôn thêm vẻ đẹp của căn phòng.

 

Một mùa sen nữa lại đi qua. Nhưng mãi mãi trong lòng hồ kia loài hoa ấy vẫn tồn tại. Nó ẩn mình như một minh chứng của sự bất diệt. Cũng như con người vậy thôi, mọi sự đều sẽ đi qua, chỉ có phẩm giá là còn lại trên thế gian này.

 

Nàng Sen

 

Bỗng đâu giăng kín mặt hồ/ Hoa Sen đỏ trắng lao xao khoảng trời/ Tựa như môi thắm em tôi/ Mùi hương thoang thoảng rối bời lòng ai?/ Chân quê gót bước thiên thần/ Vượt lên nhơ nhớp hạt mầm đầy gương/ Nắng mưa khuya sớm em thương/ Bên người chân đất còn vương nỗi niềm/ Bao nhiêu khát vọng anh tìm/ Một mình gom hết vào tim cho đời/ Hồn hoa hồn nước của tôi/ Nàng Sen đất Việt muôn đời thủy chung.

 

 

Theo Huỳnh Viết Tư/ Báo GD&TĐ online

Tệp đính kèm