Cập nhật: 18/04/2009 22:09:21 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đây là thông tin do GS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư TPHCM - đưa ra tại Hội thảo chăm sóc nâng đỡ cho bệnh nhân ung thư, do Hội Dinh dưỡng thực phẩm TPHCM tổ chức vào chiều 17/4.

Hội thảo với sự tham dự của trên 300 giáo sư, bác sĩ, chuyên viên dinh dưỡng trên cả nước.

 

Báo động với UT phổi, vú

 

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, số người bệnh ung thư (UT) trên thế giới đang tăng đều hằng năm: 6 triệu người năm 1975; 7,6 triệu vào năm 1985 và 8,1 triệu vào năm 1990, 11 triệu năm 2002.

 

Tại VN, theo GS Nguyễn Chấn Hùng, kết quả thống kê tại hai TP lớn là Hà Nội và TPHCM cho thấy: Các bệnh UT thường gặp nhất ở nam giới là ở phổi, gan, dạ dày và ruột già.

 

UT phổi liên hệ rõ ràng với thói quen hút thuốc lá; viêm gan siêu vi giải thích tỉ lệ cao của UT gan; UT dạ dày vẫn còn hoành hành, nhiều người vẫn còn thói quen ăn các thức ăn dự trữ lâu như khô cá muối, cà pháo, mắm tôm, các thứ dưa muối.

 

UT đại - trực tràng cũng gia tăng theo chế độ dinh dưỡng ở xã hội công nghiệp hoá: Ngày càng nhiều thức ăn nhanh (fast foods) và ăn ít rau quả.

 

Ở Hà Nội, UT vú là loại thường gặp nhất ở phụ nữ. Hằng năm có suất độ là 29,7 - nghĩa là có thêm 30 người bệnh mới trên 100.000 phụ nữ. Ở TPHCM, loại UT này có suất độ thấp hơn: UT cổ tử cung là loại UT thường gặp sau UT vú. Loại UT này hiện nay rất ít ở phụ nữ miền Bắc.

 

Các loại UT thường gặp ở nam giới là các loại khó trị, nhưng các loại này thì lại có thể phòng ngừa được: Phòng, chống tác hại thuốc lá, loại bỏ viêm gan siêu vi gồm việc điều trị và chủng ngừa.

 

Đối với UT dạ dày thì chế độ dinh dưỡng có nhiều rau quả và thức ăn tươi được coi là phòng ngừa. Điều này cũng đúng với UT đại - trực tràng.

 

Đối với phụ nữ, UT vú và UT cổ tử cung đều có thể phát hiện sớm và có thể trị tốt.

 

Cảnh báo bốn nguyên nhân chính gây UT

 

Vào năm 2000, ước tính có 85% tổng số ca UT phổi ở đàn ông và 47% ở đàn bà do thuốc lá. Các yếu tố di truyền (chủ yếu là các gene BRCA 1, BRCA 2 bị đột biến) có thể chiếm 10% tổng số UT vú ở các nước phát triển.

 

Trên toàn cầu có sự liên hệ chặt chẽ nguy cơ UT đại trực tràng và độ tiêu thụ thịt theo đầu người, mỡ (mỡ động vật) và chất sợi. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy cơ thể thiếu vận động, sự béo phì ảnh hưởng rõ trên nguy cơ UT đại trực tràng.

 

Mối liên hệ giữa sự nhiễm H.pylori và UT dạ dày đủ để IARC xếp vi khuẩn này là gây UT đối với con người. Chế độ ăn uống chắc chắn có vai trò quan trọng.

 

Nguy cơ UT tăng cao với thói quen dùng các thức ăn ướp muối (thịt hun khói, cá khô, mắm, rau dưa muối). Nguy cơ giảm với chế độ giàu rau quả tươi.

 

75% UT gan của loài người và 85% UT gan ở các nước đang phát triển là do hai loại virus HBV và HCV. Ở các vùng nhiệt đới, ngũ cốc nhiễm nấm Aspergillus làm tăng nguy cơ UT gan. Hiện nay, người ta đã thấy rõ nguyên nhân chủ yếu của loại UT cổ tử cung là vài tiểu nhóm của virus HPV.

 

Các yếu tố nguy cơ UT ở loài người phần lớn đã được biết rõ. Khói thuốc lá chứa hơn 60 chất gây UT trên người, gây ra nhiều loại UT: Phổi, miệng, họng, thanh quản, tụy tạng, bàng quang, ruột, thực quản, vú và cổ tử cung.

 

Thuốc lá là nguyên nhân của 1/3 số người bệnh UT trên toàn cầu. Cách ăn uống ảnh hưởng khoảng 1/3 nguy cơ UT của con người; thức ăn muối mặn, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, mỡ béo, ít rau quả tươi, các thức ăn kiểu công nghiệp phương Tây như thức ăn nhanh là yếu tố nguy cơ cao của UT dạ dày, UT ruột. Đó là bệnh theo miệng mà vào.

 

Các tác nhân sinh học (virus và vi khuẩn) đã được xác nhận là tác nhân gây ra nhiều loại UT (HPV, virus viêm gan HBV, HCV, vi khuẩn H.pylori...). Bức xạ cực tím của ánh nắng là nguyên nhân gây UT da.

 

 

Theo Võ Tuấn

Lao động

Tệp đính kèm