Trên cơ sở đã tập hợp dữ liệu của hoạt động giám sát đại dịch cúm từ các khu vực khác nhau trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân tích và đưa ra nhiều cảnh báo quan trọng cho các nước trên thế giới về đại dịch này.
Trong đó nhấn mạnh các nước ở Bắc bán cầu chuẩn bị đối phó với làn sóng lây lan thứ 2 của đại dịch. Các nước đã bị đại dịch xâm nhập thì sự lan truyền virút cúm A/H1N1 tạo ra các vụ bùng dịch "nóng" tại chỗ cho người bản địa ngày càng gia tăng và xảy ra theo tính dây chuyền trong các tập thể.
Tử vong do cúm A/H1N1 thường gặp ở người có bệnh mạn tính
Virut cúm A/H1N1 đã chi phối ở hầu hết các vùng trên thế giới. Nhiều nước cho kết quả xác định trên 90 % các chủng virut cúm đều là virut cúm A/H1N1. Chưa phát hiện có dấu hiệu cho thấy virut này đã có sự thay đổi, đột biến tăng độc lực gây tăng tỷ lệ tử vong. Tình trạng bệnh nhân đều có biểu hiện lâm sàng nhẹ, hoặc vừa. Một số ít trường hợp mắc bệnh rất nặng và tử vong thường gặp ở những người có tiền sử về sức khỏe như có bệnh mạn tính (hen suyễn, lao, tim mạch, suy giảm miễn dịch)... Cho đến nay chưa phát hiện được sự lan truyền các chủng virut kháng thuốc. Nhưng tác động của đại dịch trong đợt sóng thứ hai sắp tới có thể rất tồi tệ vì số lượng người bị nhiễm bệnh sẽ tăng vọt một cách đột biến.
Điều trị cho bệnh nhân nặng đòi hỏi chuyên môn cao
Bệnh nhân cúm A/H1N1 từ khắp nơi trên thế giới đều có thể bị bệnh rất nghiêm trọng kể cả những bệnh nhân trẻ tuổi nhưng thường có vấn đề về sức khỏe. Trong những bệnh nhân này, virut cúm A/H1N1 nhiễm trực tiếp vào phổi, gây suy hô hấp nặng. Việc điều trị cho các bệnh nhân nặng đòi hỏi chuyên môn hoá cao, phải cho bệnh nhân nằm tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt. Thời gian điều trị thường kéo dài và chi phí rất tốn kém.
Phụ nữ có thai dễ bị tổn thương bởi dịch cúm A/H1N1
Đứng trước đại dịch hiện nay các nhóm quần thể sau đây có nguy cơ cao bị tổn thương gồm: Phụ nữ mang thai; Nhóm người trẻ tuổi giao lưu, di biến động nhiều; Những người có các bệnh về đường hô hấp, hen suyễn, tim mạch, tiểu đường và suy giảm miễn dịch; Bệnh gan, thận, béo phì...; Người mới mắc bệnh cấp tính: cúm mùa, sởi, thủy đậu...; Người nghiện hút thuốc lá.
|
Các nhà khoa học đã có những dự báo về xu hướng và tác hại của đại dịch cúm A/H1N1. |
Người nhiễm HIV đang được điều trị không tăng nguy cơ mắc cúm A/H1N1 với HIV
Đại dịch cúm A/H1N1 là đại dịch đầu tiên xảy ra từ khi có sự nổi lên của đại dịch HIV/AIDS. Dữ liệu ban đầu từ các nước cho thấy khi bị nhiễm cúm A/H1N1 thì những người nhiễm HIV mà đang được điều trị thuốc kháng virut (ARV) thì không tăng nguy cơ mắc bệnh cúm nặng hơn hoặc gây tử vong. Phần lớn họ có biểu hiện bệnh nhẹ, hồi phục đầy đủ như những người bình thường khác.
Những dự báo về hiểm họa của đại dịch
Các nhà khoa học dự báo về xu hướng và tác hại của đại dịch cúm A/H1N1 với hai khả năng như sau:
Khả năng thứ nhất: Virut không có sự thay đổi đột biến về cấu trúc di truyền và độc lực. Dịch tiếp tục lan tỏa và trở thành lưu hành giống như cúm thường (cúm mùa). Nhưng nó sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều so với cúm mùa vì: đây là một tác nhân gây bệnh mới, dân chúng chưa có miễn dịch nên hầu như mọi người sẽ cảm nhiễm bệnh, toàn cầu sẽ có hàng tỷ người mắc bệnh. Khác với cúm mùa, đối tượng mắc bệnh nặng, phải vào bệnh viện lại rơi vào độ tuổi lao động. Từ đó đại dịch cúm A/H1N1 sẽ gây thiệt hại vô cùng to lớn đến nền kinh tế cho mỗi quốc gia và cả thế giới. Khác với cúm mùa có tỷ lệ tử vong rất thấp (chưa tới 1 phần triệu) và rơi vào trẻ nhỏ, suy dinh dưỡng, người già trên 65 tuổi hoặc người suy giảm miễn dịch (như nhiễm HIV). Cúm A/H1N1 lại có độc lực cao hơn, tỷ lệ tử vong 0,1%.
Khả năng thứ hai: Virut cúm A/H1N1 tái tổ hợp với các virut khác, đặc biệt với cúm gia cầm A/H5N1 biến đổi thành chủng virut có độc lực cao như A/H5N1, gây tỷ lệ tử vong khoảng 50% và có khả năng lây lan nhanh từ người sang người như cúm A/H1N1 thì nhân loại thật sự gặp đại họa. Số người chết do đại dịch sẽ lên tơi hàng trăm triệu người.
Theo SK & ĐS Online