Nhiễm khuẩn da ở trẻ do nhiều loại vi khuẩn gây nên nhưng hay gặp nhất vẫn là cầu khuẩn. Cầu khuẩn có nhiều loại khác nhau trong đó có tụ cầu (stapylococcus) và liên cầu (streptococcus), có mặt nhiều nơi trong tự nhiên và đáng lưu ý nhất là trên da và niêm mạc của người bình thường (kể cả trẻ em và người trưởng thành). Tuy vậy, khi cầu khuẩn gặp điều kiện thuận lợi thì chúng trở nên
gây bệnh.
Trên bề mặt của da và niêm mạc có rất nhiều loại vi khuẩn hiếu khí và kỵ khí, trong đó đáng lưu ý nhất là các loại cầu khuẩn như liên cầu, tụ cầu. Các loại vi khuẩn này ký sinh ở vùng chân lông, các tuyến tiết chất bã nhờn, tuyến mồ hôi. Vào mùa hè, các điều kiện ở da và niêm mạc rất có lợi cho cầu khuẩn phát triển và gây bệnh.
Các bệnh nhiễm khuẩn da thường gặp do cầu khuẩn
Bệnh da do liên cầu
Chốc đầu: bệnh gặp chủ yếu ở vùng da đầu của trẻ, cũng có thể gặp ở cổ, mặt, các chi, từ đây, chúng rất dễ lan ra các chỗ khác do mồ hôi, chất tiết bã nhờn. Tổn thương bắt đầu bằng một mụn nước nhỏ, có quầng viêm đỏ. Mụn nước có màu trong, dần dần thành mủ đục. Giai đoạn phỏng nước và nốt mủ rất ngắn, các nốt mụn mủ nhỏ li ti, kích thước đường kính bằng nhau. Trẻ em thường bị chốc đầu thành từng đám và có vảy màu vàng sẫm, vùng có chốc làm cho tóc dính bết lại do tổn thương chốc gây xuất tiết, rớm nước và dưới lớp vẩy da chợt đỏ. Nếu không được điều trị thì chốc sẽ lây lan ra nhiều vùng da khác, nguy hiểm nhất là biến chứng viêm cầu thận cấp gây suy thận.
Chốc loét: Chốc loét có thể tổn thương lan sâu đến trung bì. Bệnh chốc loét hay gặp ở chi dưới của trẻ, ở người lớn thì gặp ở vùng da bị bệnh giãn tĩnh mạch chân.
Bệnh viêm quầng: do liên cầu thường gặp ở trẻ vào mùa nắng nóng. Bệnh có thể gây tử vong nếu gặp ở trẻ sơ sinh, đẻ non, đẻ thiếu tháng hoặc ở người già hoặc bệnh nhân có kèm bệnh khác cũng rất nặng. Đám viêm quầng màu đỏ tươi, đường kính của khu vực viêm quầng có khi lên tới nhiều cm, sưng nề, cộm, ranh giới rõ, có bờ nhô cao. Bệnh viêm quầng có thể biến chứng viêm nội tâm mạc, viêm khớp, màng não.
Hăm kẽ: Bệnh hăm kẽ thường gặp ở trẻ bụ bẫm, có nhiều nếp gấp ở khuỷu tay, khoeo chân, cổ. Tổn thương của bệnh hăm kẽ là nếp gấp sưng đỏ, trợt, rớm dịch, phía ngoài thường có viền róc da mỏng, nếu cọ sát, nhiễm bẩn, trợt loét chảy nước, chảy mủ, rất đau và rát.
Chốc mép do vi khuẩn liên cầu gây ra. Liên cầu cũng gây nên viêm niêm mạc, điển hình nhất là viêm họng và nếu do liên cầu nhóm A thì nguy cơ trẻ bị biến chứng thấp tim rất có khả năng xảy ra.
Bệnh da do tụ cầu
Bệnh nhiễm khuẩn da và niêm mạc là một bệnh thường xảy ra vào mùa nắng nóng như bệnh mụn nhọt, chốc đầu, lở loét da. Nhiều trường hợp viêm tạo thành nhọt (áp-xe) da đầu bị vỡ ra do nhiều nguyên nhân khác nhau làm xuất tiết các chất huyết tương kèm theo vi khuẩn tụ cầu lây lan sang vùng da khác và gây bệnh, đặc biệt là vùng da có nhiều lông như ở đầu, nách, mu (người trưởng thành).
Mụn đầu đinh (đinh râu) là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh vì có nguy cơ cao gây nhiễm khuẩn huyết.
Những bệnh do tụ cầu gây nên ở da và niêm mạc có thể là ngoại sinh (môi trường bên ngoài xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh) nhưng cũng có thể là do nội sinh (vi khuẩn tụ cầu có ngay trên cơ thể, khi gặp điều kiện thuận lợi thì chúng trở nên gây bệnh bởi vì có tới 20 - 30% người lành mang vi khuẩn tụ cầu ở da và niêm mạc đường hô hấp trên). Mùa hè nắng nóng, nếu thiếu nước sinh hoạt kèm theo vệ sinh cá nhân không tốt thì bệnh do tụ cầu và liên cầu càng dễ phát triển và có khi gây thành dịch mang tính chất gia đình.
Phòng bệnh nhiễm khuẩn da do cầu khuẩn để tránh biến chứng
Như vậy, vào mùa nắng nóng, các loại cầu khuẩn có thể gây nhiễm khuẩn da và nếu không được điều trị sớm, dứt điểm thì chúng có thể gây nên biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận cấp, thấp khớp cấp, viêm màng trong tim (liên cầu), gây nhiễm khuẩn huyết (tụ cầu và liên cầu).
Để hạn chế mắc bệnh mùa hè do cầu khuẩn gây ra, nên vệ sinh cá nhân thật tốt bằng cách tắm, rửa hằng ngày với nước sạch, nhất là trẻ nhỏ bụ bẫm có nhiều nếp kẽ, nếp gấp chứa nhiều mồ hôi, bã nhờn. Cần vệ sinh họng, miệng hằng ngày bằng cách đánh răng và súc họng nước muối nhạt trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy. Trẻ không nên uống lạnh, nước đá rất dễ gây viêm họng.
Ngoài ra, cần vệ sinh môi trường sống thật tốt, nhất là vệ sinh môi trường sinh hoạt trong mỗi gia đình. Cần nâng cao sức đề kháng, đặc biệt là trẻ em bởi vì hiện nay chưa có vaccin phòng bệnh đặc hiệu để phòng các bệnh do cầu khuẩn gây ra (cả liên cầu và cả tụ cầu). Cần lưu ý là khi trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn da thì nên cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt để tránh lây lan và tránh bị biến chứng nguy hiểm.
PGS.TS.Bùi Khắc Hậu
Theo SK & ĐS Online