Cập nhật: 26/09/2012 15:58:27 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thống kê của các cơ sở y tế cho thấy, hiện bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn có chiều hướng gia tăng và nhiều trường hợp trong tình trạng nặng phải thở máy. Bệnh để lại di chứng nặng nề, có thể gây nguy hiểm, tử vong nhanh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Thêm bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn

 

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận và điều trị cho 4 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 3 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, sốc nhiễm khuẩn nặng, rối loạn đông máu, suy cấp tạng... và đang phải thở máy.

 

Cũng tại thời điểm này, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị cũng đã tiếp nhận 4 bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó một trường hợp đã tử vong. Các bệnh nhân trên nhập viện đều có triệu chứng sốt cao, đau bụng, tiêu chảy, xuất hiện từng mảng xuất huyết hoại tử dưới da...

 

Cơ chế lây nhiễm và cách nhận biết bệnh liên cầu lợn

 

Liên cầu Streptococcus suis (S. suis) là một tác nhân gây bệnh nguy hiểm ở lợn. Liên cầu gây bệnh tồn tại trong miệng của lợn, có thể xâm nhập vào máu, gây bệnh cho lợn. Đôi khi con người chỉ tình cờ tiếp xúc với lợn bệnh, người làm việc ở trang trại chăn nuôi, cán bộ thú y, đặc biệt là người giết mổ, tay chân bị xây xước, tiếp xúc với máu, thịt lợn, phủ tạng lợn, vi khuẩn có thể xâm nhập qua da vào cơ thể và gây bệnh.

 

Ngoài ra, một số người ăn tiết canh lợn, trong tiết canh có thể chứa lượng virut rất lớn, khi ăn vào có thể lây qua đường tiêu hoá. Bệnh liên cầu khuẩn trên lợn có khả năng lây từ con vật bệnh sang người theo đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp, ăn uống.

 

Khi bị bệnh, người bệnh có triệu chứng sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác... xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa: sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... trước khi có biểu hiện của viêm màng não.Trường hợp nặng, người bệnh bị sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.

 

Bệnh có nguy hiểm?

 

Bệnh liên cầu khuẩn lợn là bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bệnh diễn biến phức tạp, có thể chuyển biến rất nặng và nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân, hay gặp nhất là gây viêm màng não, nhiễm khuẩn máu, viêm màng trong tim, một số trường hợp tiến triển tối cấp rất nhanh dẫn đến sốc nhiễm độc khuẩn gây suy đa phủ tạng và tử vong mà không kịp điều trị gì. Một số trường hợp sau khi khỏi bệnh cấp tính có di chứng lâu dài như điếc không hồi phục, mất thăng bằng...

 

Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, bệnh sẽ được điều trị khỏi, ít tốn kém và không để lại di chứng. Do vậy, khi có biểu hiện sốt cao, xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng gáy..., cần đến bệnh viện sớm, tránh di chứng và nguy cơ tử vong.

 

Có thể tái nhiễm nếu không phòng bệnh

 

Bệnh do nhiễm liên cầu khuẩn lợn có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong năm và dễ mắc. Đặc biệt, thời tiết như hiện nay vừa nắng nóng cộng với mưa gió thất thường khiến các loại vi khuẩn gây bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Do ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao nên nguy cơ người bị nhiễm liên cầu khuẩn đã được điều trị khỏi vẫn có thể bị tái nhiễm bởi việc điều trị bệnh không có nghĩa là để lại miễn dịch lâu dài cho cơ thể.

 

Vì vậy, việc phòng bệnh liên cầu khuẩn là biện pháp tốt nhất bằng cách: Không tiếp xúc với lợn bệnh khi giết mổ phải có các thiết bị phòng hộ như đeo găng tay, khẩu trang, nếu bị xây xát chân tay thì không nên giết mổ; Tuyệt đối không ăn thịt lợn chưa được chế biến chín, không hợp vệ sinh vì vi khuẩn có thể tồn tại trong thịt lợn chế biến tái và đặc biệt là món tiết canh; Không tiêu thụ lợn có biểu hiện ốm bệnh; Thịt cần được nấu chín kỹ cho đến khi nhiệt độ bên trong miếng thịt đạt hơn 80oC. Nếu thấy thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề thì tuyệt đối không ăn. .

 

Không nên tẩy chay thịt lợn

 

Trước thông tin có thêm nhiều bệnh nhân mắc liên cầu lợn, nhiều bà nội trợ đã “tẩy chay” thịt lợn ra khỏi bữa ăn của gia đình. Tuy nhiên, đây là việc làm không đúng, gây hoang mang trong dư luận và ảnh hưởng đến các nhà sản xuất, chăn nuôi. Vì vậy, cần chú ý, khi có lợn ốm cần khai báo, xác định căn nguyên và tiêu huỷ. Những người tiêu huỷ lợn cần đeo găng tay, khẩu trang. Những người có vết thương không nên giết mổ lợn. Trong trường hợp buộc phải làm thì cần đeo găng tay để bảo vệ, làm xong phải rửa tay sạch sẽ. Tẩy chay thịt lợn thực sự không phải là biện pháp để phòng tránh dịch bệnh.

 

 

 

Theo Nguyễn Hoàng Linh/SK & ĐS Online

Tệp đính kèm