Cập nhật: 15/10/2012 15:27:52 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cóc là loại sinh vật rất quen thuộc trong nhân dân. Loài phổ biến ở nước ta là Bufo melanostictus, thuộc họ Bufonidae. Trong cơ cóc hay còn gọi là thịt cóc không có chất độc.

Chất độc ở cóc chỉ có ở nhựa cóc và nội tạng (gan, trứng). Nhựa cóc còn gọi là thiềm tô (secretio bufonis) là nhựa tiết ở tuyến sau mang tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da của cóc. Chất độc trong tuyến mang tai có lượng độc tố rất cao. Trong gan và buồng trứng cóc cũng có lượng độc tố rất cao.

 

Trong nhựa cóc có những chất như cholesterol, axit ascorbic, các chất phá huyết và các chất độc như: Bufogin, Bufotalin, Bufotoxin, Bufotanin, Bufotenidin, Bufotenidin, Bufotionin..., các hợp chất này chia làm 3 loại là hợp chất không có nitơ giống như chất scilaridin hay những genin và glucozit chữa tim có trong lá dương địa hoàng Digitalis và hợp chất dẫn xuất nhóm Steroit.

 

Thịt cóc không có độc tố và có giá trị dinh dưỡng rất cao. Do đó, Đông Y dùng cóc trong chữa một số bệnh hiểm nghèo. Nhựa cóc là 1 trong 6 vị của đơn thuốc “Lục thần hoàn”. Trong nhân dân dùng nhựa cóc chữa giảm đau, tán thuỷ, dùng chữa phát bối, đinh độc, yết hầu sưng đau, đau răng. Thịt cóc khô dùng với liều 2 – 3g tán bột uống hoặc làm thành thuốc viên, chữa gầy còm, chậm lớn, kém ăn, suy dinh dưỡng...

 

Tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng chết người mà nguyên nhân dẫn đến ngộ độc cóc do thiếu hiểu biết về tác hại của cóc nên ăn cả gan và trứng cóc. Không biết cách chế biến để loại bỏ hết da, nội tạng cóc, làm cho độc tố dính hoặc lẫn vào cơ cóc nên ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố gây ngộ độc.

 

Triệu chứng ngộ độc: Nung bệnh từ 1-2 giờ sau khi ăn cóc thì xuất hiện.

 

+ Hội chứng tiêu hoá: Buồn nôn, nôn, mửa, đau và chướng bụng.

 

+ Hội chứng tim mạch: Lúc đầu bệnh nhân cảm thấy hồi hộp, huyết áp cao, nhịp tim nhanh, sau đó rối loạn nhịp: Ngoại tâm thu, cơn nhịp nhanh thất, rung thất đôi khi có bloc nhĩ thất, nhịp nút, dẫn đến truỵ mạch. Với người bị nặng, sự dẫn truyền ở tâm thất bị ngưng trệ, rung tâm thất, huyết áp tụt, chân tay lạnh.

 

+ Hội chứng rối loạn thần kinh-tâm thần: Chất Bufotenin trong nhựa cóc có thể gây ảo giác, ảo tưởng, rối loạn nhân cách, chảy rãi, thèm ngủ, mồm miệng và tứ chi tê dại, đổ mồ hôi. Năng hơn nữa có thể gây ức chế trung khu hô hấp dẫn tới ngừng thở và tử vong.

 

Ngoài ra, còn gây tổn thương thận, vô niệu, viêm ống thận và gây tróc da, viêm da.

 

Cách xử trí ngộ độc cóc: Phát hiện sớm thì gây nôn và chuyển nhanh đến bệnh viện. Còn tại cơ sở y tế chủ yếu là điều trị triệu chứng.

 

+ Thải trừ chất độc: Rửa dạ dày bằng dung dịch thuốc tím 1/5.000, uống tanin 4g, lợi tiểu bằng Furosemid.

 

+ Chống loạn nhịp tim: Nhịp nhanh dùng Propranolon, nhịp chậm dùng isoproterenon. Tốt nhất là đặt máy tạo nhịp tim có xông điện cực buồng tim.

 

+ Chống tăng huyết áp: Cho ngậm Adalat.

 

+ Chống rối loạn thần kinh và tâm thần: Dùng Diazepam, Phenobacbital.

 

+ Chống rối loạn hô hấp: Thở máy, thở oxy.

 

+ Chống suy thận cấp: Lọc ngoài thận (thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng).

 

Đề phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do cóc: Tốt nhất và an toàn nhất là loại bỏ thịt cóc ra khỏi nguồn thực phẩm, không ăn thịt cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc. Nhưng nếu vẫn muốn sử dụng cóc làm thực phẩm thì tuyệt đối không ăn trứng và gan cóc. Trong quá trình chế biến, tuyệt đối không để da cóc, nội tạng cóc, nhựa cóc lẫn vào cơ cóc hay thịt cóc. Đặc biệt cho đến nay, khoa học vẫn chưa chứng minh được nuốt cóc sống có thể điều trị được bệnh ung thư như dư luận.

 

 

Theo Minh Anh/Tiền Phong Online

 

Tệp đính kèm