Cập nhật: 13/11/2013 09:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Do lần đầu tiên thực hiện mà chưa có quy định cụ thể nên các trường khá lúng túng…

Tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, sinh viên liên thông vẫn được xét chuyển điểm

và học chung với sinh viên chính quy để bổ sung những môn thiếu - Ảnh: T.S

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

[video]/upload/2013/Audio/RADIOVIETNAM/THANG-11/11.13LungTungDaoTaoLienThongChinhQuy.mp3[/video] 

Nảy sinh nhiều tình huống ngoài dự tính trong năm đầu tiên các trường ĐH đào tạo cho sinh viên liên thông thi theo kỳ tuyển sinh chung hệ chính quy, khiến cả trường và sinh viên đều lúng túng.

Trường chuyển điểm, trường không

Tính chất của liên thông là sinh viên có thể chuyển điểm hoặc nếu không, phải học lại những môn đã học trước đó. Tuy nhiên, do lần đầu tiên thực hiện mà chưa có quy định cụ thể nên các trường khá lúng túng.

Về vấn đề này, Bộ không có hướng dẫn cụ thể mà chỉ yêu cầu lãnh đạo trường ĐH căn cứ vào chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, văn bằng, kết quả học tập đã có của người học để quyết định công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập và khối lượng kiến thức được miễn trừ. Thế nhưng, do sinh viên tốt nghiệp ở nhiều trường CĐ khác nhau nên công việc này khá phức tạp.

Ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhận định: “Có một số môn học tên không trùng nhau, cũng không rõ nội dung đào tạo của môn đó ở bậc CĐ là gì nên trường không dám chuyển điểm. Hơn nữa, nhiều sinh viên tốt nghiệp từ các trường CĐ không đào tạo theo học chế tín chỉ, bây giờ mà yêu cầu các em học chung với sinh viên chính quy, tự theo dõi để bổ sung những môn học còn thiếu là điều rất khó cho các em”. Vì thế, theo ông Minh, sẽ xảy ra tình trạng mỗi sinh viên có một khối lượng kiến thức cần bổ sung khác nhau nên sẽ phải chờ đợi khi nào có lớp học mới đăng ký được. Do đó có thể kéo dài thời gian học.

Trước thực tế này, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đưa ra giải pháp không xét chuyển điểm mà công nhận hết kết quả CĐ của tất cả những sinh viên này. Ông Nguyễn Đức Minh cho biết: “Tốt nghiệp CĐ, đi làm rồi mà vượt qua được kỳ thi ĐH quốc gia, các em phải có sự nỗ lực rất lớn. Do đó chúng tôi cố gắng vận dụng linh hoạt quy chế của Bộ mà không vi phạm để tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập”.

Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng thực hiện theo cách này. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết trường chỉ có một chương trình liên thông dành cho cả thí sinh chưa đủ 36 tháng thi theo kỳ thi ĐH chung lẫn thí sinh trên 36 tháng nên không cần xét chuyển điểm.

Trong khi đó, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM giao sinh viên diện này về các khoa chuyên môn, lập tiểu ban xét kết quả của từng người, xem môn nào có thể bảo lưu, môn nào còn thiếu. Sau đó công bố cho từng sinh viên, ai thiếu môn nào thì học bổ sung môn đó. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo, nhận định: “Việc này đúng là khá phức tạp bởi sinh viên đến từ các trường CĐ khác nhau, phải làm từng em một. Mỗi em sẽ có một chương trình học, thời khóa biểu môn học khác nhau nên các em phải chủ động và nỗ lực rất nhiều”.

Có thể phải kéo dài thời gian học

Sinh viên còn gặp khó khăn khác là bị động trong sắp xếp lịch học nên chưa chắc có thể tốt nghiệp đúng thời hạn theo quy định.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thông tin: “Chỉ có 33 em trúng tuyển diện này. Do mỗi ngành học phải đủ 30 em mới tổ chức được một lớp, trong khi số lượng này rải rác ở nhiều ngành nên rất khó tổ chức lớp”. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng gặp khó khăn này. Ông Nguyễn Đức Minh cho biết: “Năm nay có 77 sinh viên diện này vào học nhưng rải rác ở nhiều ngành, có ngành chỉ 1, 2 em nên rất khó khăn trong việc tổ chức lớp học”.

Ông Phạm Thái Sơn phân tích: “Do không có thời khóa biểu cố định theo nhóm lớp, các sinh viên này phải học cùng sinh viên chính quy của hệ 4 năm nên có thể sẽ phải đợi rất lâu mới có môn học hoặc cùng lúc phải học nhiều môn. Tôi e ngại là với tình hình trên, sẽ có em phải kéo dài quá thời gian quy định là 3 năm, như vậy sẽ không được ra trường như quy định”.

H.T, sinh viên ngành kế toán Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết: “Em tốt nghiệp CĐ được 2 năm, đang đi làm. Nhưng vì muốn có bằng ĐH chính quy nên thi kỳ thi chung. Trước đây trường em đào tạo theo niên chế, giờ học theo tín chỉ rất ngỡ ngàng với việc đăng ký môn học. Em rất muốn học nhanh để ra trường sớm tiếp tục công việc, nhưng với tình hình này, em phải phụ thuộc vào sinh viên chính quy hệ 4 năm. Lịch học các môn mà em còn thiếu lung tung nên phải chịu khó để ý và thậm chí phải đợi rất lâu mới có lớp”.

Trong khi đó, theo quy chế về đào tạo hệ thống tín chỉ, thời gian sinh viên liên thông từ CĐ lên ĐH tối đa là 3 năm.

Theo Radio Việt Nam

Tệp đính kèm