Nhật Bản
Ở Đất nước mặt trời mọc, Tết gọi là Ô-sô-gát-sư, là dịp gia đình quây quần, đoàn tụ. Người Nhật đón Tết vào ngày 1-1 dương lịch. Đón năm mới, người Nhật thường treo một vòng làm bằng rơm khô trước cửa nhà vì đó là biểu tượng của niềm vui và may mắn. Đêm giao thừa, để xua tan xui xẻo, người Nhật thường rung chuông 100 lần! Những ngày đầu năm, các cô gái được sai ra đồng hái nhiều loại cây cỏ. Đến mồng bảy Tết, chủ nhà đem nấu những lá "lộc xuân" đó với gạo thành món đặc biệt để ăn sáng. Tết ở Nhật Bản kéo dài tới hai tuần.
Ấn Độ
Đón giao thừa, người dân Ấn Độ cùng nhau chất một đống lửa thật to rồi nhảy múa hát ca chung quanh để chào năm mới. Họ lấy bột mì trát lên người để gột rửa những lo lắng, buồn phiền và xui xẻo. Sau đó, họ đem ném lớp bột này vào đống lửa để "hóa" những khổ đau và xui xẻo của năm cũ. Ngoài ra, người dân Ấn Độ còn có phong tục tạt mầu vào người nhau. Theo phong tục, người nào càng bị tạt nhiều mầu, thì năm mới càng hạnh phúc.
Nga
Tết là một trong những dịp lễ quan trọng nhất, bởi đây là ngày lễ của hạnh phúc và bình an. Người Nga luôn mong muốn được đón năm mới với cây thông Tết được trang hoàng lộng lẫy trong nhà. Tại Thủ đô Mát-xcơ-va, Tết đến, một cây thông khổng lồ được đặt ở quảng trường cung điện Krem-li. Khi đến giao thừa, ông già Tuyết xuất hiện bên cạnh nàng công chúa tóc vàng diễm lệ, vai mang túi quà phân phát cho trẻ em và cùng nhau nhảy múa dưới cành thông. Ngày đầu năm mới, người dân có tục tặng bánh mì và muối cho khách quý.
Bê-la-rút
Trong lễ hội đón Tết ở Bê-la-rút, những cô gái chưa chồng được tham gia một số trò chơi để đoán xem ai là người sẽ kết hôn trong năm mới. Thí dụ, người ta đặt rất nhiều hạt ngô trước chỗ đứng của mỗi cô gái và một con gà trống được thả ra. Con gà trống chạy đến ăn những hạt ngô dưới chân ai trước thì người đó được tin sẽ là cô gái đầu tiên kết hôn trong năm mới.
Tây Ban Nha
Khi đồng hồ điểm 12 tiếng trong đêm giao thừa, người Tây Ban Nha ăn 12 quả nho, mỗi quả tương ứng một tiếng điểm của chuông đồng hồ, với mong muốn đem lại điều tốt lành trong 12 tháng của năm tới. Một số nơi ở Tây Ban Nha có tục lệ trước năm mới không được cười trong năm ngày. Qua năm ngày đó phải luôn cười to đón Tết để cầu mong sự an khang thịnh vượng.
Na Uy
Người Na Uy trong ngày đầu năm mới làm bánh pút-đinh và giấu một quả hạnh ở bên trong. Sự giàu có trong năm mới sẽ đến với ai trong phần ăn của mình có quả hạnh may mắn đó.
Ga-na
Người Ga-na đón Tết trong những ngôi nhà nhỏ bằng lá dừa gắn nhiều bóng đèn trang trí, được dựng khắp nơi trên đường phố. Thanh niên nam nữ tới các ngôi nhà đón xuân đó, hát hò vui vẻ. Trong các căn nhà ấy, cả gia đình quây quần bên mâm cỗ. Món ăn ngày Tết được ưa thích nhất là gà trống rán. Theo phong tục, đúng giao thừa, mọi người đều thét lớn để xua đuổi những xui xẻo của năm cũ và đón chào những niềm vui trong năm mới.
Ca-na-đa
Người dân Ca-na-đa có phong tục đón Tết độc đáo: mọi người đều mặc đồ tắm và nhảy xuống dòng nước lạnh như băng khi năm mới đến. Ngày đầu năm ở Ca-na-đa, quốc gia nằm gần Bắc cực, thường trùng với thời điểm lạnh giá nhất của mùa đông. Ngày nay, ngoài Ca-na-đa, ở nhiều nước, cũng có phong tục tràn xuống sông băng hoặc dòng nước lạnh đầu năm như một hình thức cầu may mắn, khỏe mạnh, bản lĩnh và sự kiên cường cho năm mới.
Cô-lôm-bi-a
Đốt ’’ông năm cũ’’ là một phong tục đón năm mới. Nghi lễ này đòi hỏi sự tham gia của cả gia đình. Mọi người làm một "hình nộm nam" đại diện cho năm cũ, bằng nhiều vật liệu khác nhau, thường bằng những thứ đem lại đau buồn hay gợi sự không vui. "Ông năm cũ" sẽ được thiêu rụi để quên đi những điều xui xẻo. Đôi lúc, họ cho vào đó pháo hoa để khi đốt trông đẹp hơn.
Ô-xtrây-li-a
Năm mới ở Ô-xtrây-li-a bắt đầu vào ngày 1-1 dương lịch. Vì Tết ở Nam bán cầu thời tiết thường ấm nóng nên người dân hay đi chơi dã ngoại hoặc ra biển. Trong đêm giao thừa, mọi người vui vẻ náo nức và làm huyên náo đường phố bằng đủ loại âm thanh. Các hoạt động dã ngoại, đua thuyền, đua ngựa, đi săn, lướt ván... rất được ưa thích trong dịp năm mới.
Theo Baomoi.com