Trong kỳ tuyển sinh (TS) 2014, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) sẽ được lựa chọn 1 trong 3 phương án: Tự tổ chức phương án TS riêng; Tiếp tục tham gia kỳ thi “ba chung” do Bộ GDĐT tổ chức; thỏa thuận TS chung đề án với trường đã có phương án TS được Bộ GDĐT cho phép.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga kiểm tra một điểm thi trong kỳ thi ĐH, CĐ 2013. Ảnh: VGP
Tại buổi họp báo giới thiệu Dự thảo quy định về việc tự chủ TS của các trường ĐH, CĐ, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho hay những đổi mới trên được thực hiện theo hướng trao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH, CĐ.
Tuy nhiên, do trong quá trình chuyển giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về TS cho các cơ sở đào tạo ĐH, điều kiện phát triển của các trường chưa đồng đều, sự cách biệt này đặc biệt thể hiện rõ với các trường trong và ngoài công lập. Do vậy, ít nhất trong 3 năm tới, Bộ vẫn áp dụng kỳ thi 3 chung để giúp đỡ các trường chưa có kinh nghiệm, chưa đủ điều kiện để tự tổ chức TS, Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ.
“Thậm chí, trong những trường đa ngành có thể thực hiện song song hai phương án TS riêng và theo kỳ thi ba chung của Bộ”, ông Bùi Văn Ga cho hay.
Việc chọn phương án TS nào là quyền tự chọn của các trường, Bộ GDĐT chỉ xác định chỉ tiêu, ban hành quy chế TS và thanh kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh đó, để bảo đảm chất lượng TS, Bộ GDĐT đã công bố dự thảo quy định về việc tự chủ TS của các trường ĐH, CĐ, trong đó quy định cụ thể các tiêu chí, điều kiện nhất định và những điều cấm không được thực hiện, áp dụng cho tất cả các trường nhằm bảo đảm sự công bằng, tránh TS ồ ạt, không bảo đảm chất lượng và mang tính thương mại.
Chẳng hạn, quy định về tỉ lệ giảng viên cơ hữu của trường tham gia ra đề trong tổng số người tham gia vào ban đề thi, cũng như không chấp nhận phương án TS riêng khi trường thuê hoàn toàn giáo viên ngoài trường để ra đề. Những trường có phương án TS riêng phải làm rõ mục đích, nguyên tắc lựa chọn và phương thức TS như: điều kiện về cơ sở vật chất, lực lượng giáo viên cơ hữu (ra đề thi, coi thi, chấm thi…), điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, công tác thanh tra giám sát kỳ thi.
Dự thảo cũng quy định 1 năm các trường chỉ được tổ chức tối đa 2 kỳ thi TS; thời điểm tổ chức TS là do Bộ GDĐT ấn định nhằm tránh tình trạng các kỳ thi TS diễn ra liên tục trong năm gây xáo trộn xã hội, tăng tỷ lệ thí sinh ảo.
Đối với trường ĐH, CĐ đã sử dụng phương án TS riêng thì sẽ không được sử dụng kết quả kỳ thi ba chung do Bộ tổ chức. Vì 2 phương án TS này có đề thi khác nhau với tiêu chí đánh giá, mục đích tuyển khác nhau.
Ngoài 3 phương thức TS theo quy định trên của Luật Giáo dục ĐH, các trường có thể bổ sung thêm các hình thức kiểm tra thông qua phỏng vấn, viết luận, thực hành, kiểm tra năng khiếu tùy theo đặc thù riêng của ngành, trường.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bùi Anh Tuấn khẳng định: “Việc đổi mới công tác thanh kiểm tra sẽ đi liền với công tác đổi mới thi và TS. Thanh tra Bộ GDĐT sẽ phối hợp kiểm tra, giám sát kỳ thi TS với các địa phương và kết quả sẽ công bố công khai”.
Đến nay, Bộ GDĐT đã nhận được 17 phương án TS riêng do các trường ĐH, CĐ gửi tới nhưng vẫn chưa có phương án nào thực sự khả thi. Bộ GDĐT cũng ấn định hạn nhận Đề án TS riêng cho kỳ thi 2014 là vào tháng 2/2014, xem xét trong 30 ngày để quyết định chấp nhận hay không chấp nhận phương án của trường ĐH, CĐ đó.
Dự thảo quy định về việc tự chủ TS của các trường ĐH, CĐ sẽ được đăng tải trên website của Bộ GDĐT để lấy ý kiến đóng góp nhằm hoàn chỉnh, hoàn thiện.
Đề án TS riêng của các trường phải đảm bảo 5 yêu cầu sau: Không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, giáo viên của trường tổ chức luyện thi; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, không để phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng, minh bạch, công khai; thực hiện chế độ thông tin kịp thời và báo cáo kết quả sau khi kết thúc kỳ thi TS riêng theo quy định; phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc; công bố rộng rãi phương thức tuyển sinh riêng của trường để thí sinh, toàn xã hội giám sát.
Theo Chinhphu.vn