Cập nhật: 17/12/2013 10:07:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đưa âm nhạc dân tộc vào giảng dạy cho học sinh tiểu học không chỉ đơn thuần là triển khai một môn học mới, mà còn là một hình thức để giáo dục cho các em về văn hóa truyền thống dân tộc.

Các em HS tập sử dụng đàn nhị trong tiết học về âm nhạc dân tộc. Ảnh VGP/Thanh Thủy“

Em luôn ghi nhớ lời dạy của cô bao ngày qua/Vui chơi nhưng đừng quên học ơi bạn ơi/ Cùng nhau gắng công luyện rèn, bao bài học rất hay/Ngày sau giúp cho nước nhà, thêm giàu đẹp khắp nơi”. Đây là lời của bài dân ca Nam bộ “Lý cây bông” đang được các em học sinh (HS) lớp 5 Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Quận 1, TPHCM) hát trong giờ học nhạc.

Tiết học thú vị

Tất cả HS trong lớp thích thú ca vang những lời hát dễ nhớ nhưng đầy ý nghĩa. Trong khi hát theo cô giáo, mỗi em còn được cầm bộ gõ để gõ theo nhịp bài hát. Ngoài học hát, các em còn được cô giáo hướng dẫn làm quen và sử dụng các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, nhị… 

Không chỉ áp dụng trong giờ âm nhạc, các bài hát dân ca còn được lồng ghép vào hoạt động thể dục giữa giờ. Sáng kiến này được nhà trường thực hiện từ đầu năm học 2013-2014. Khi nhạc cất lên, tất cả HS, dù dưới sân trường, ở hành lang hay trong lớp học cũng có thể tập những động tác cơ bản theo điệu nhạc.

Không chỉ Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, nhiều trường tiểu học khác trên địa bàn TPHCM đã sử dụng những làn điệu dân ca vào các hoạt động, phong trào của trường.

Khó, nhưng sẽ làm được

Ông Hoàng Trường Giang, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GDĐT TPHCM cho biết, việc triển khai đưa âm nhạc dân tộc vào trường tiểu học là là chủ trương của UBND TP từ giữa năm 2012.

Từ  năm học 2013-2014, không chỉ có môn âm nhạc, các trường tiểu học tại TPHCM có thể tuyên truyền  đến phụ huynh, xây dựng tiết dạy “học bài hát tự chọn” bằng một bài hát dân ca mang tính địa phương, tuyên truyền qua các phong trào, sinh hoạt của trường và HS để các em làm quen. Tùy theo điều kiện, đặc điểm từng trường để lựa chọn hình thức, phương pháp phù hợp để hình thành thị hiếu âm nhạc cho HS một cách hiệu quả nhất.

Theo ông Giang, để thực hiện việc này là không hề đơn giản, cần phải có sự chung sức của cả phụ huynh và xã hội: “Âm nhạc dân tộc là đặc trưng, là niềm tự hào của dân tộc, nhưng nhiều HS không biết đến là điều rất lo ngại. Nhiều em thuộc các bài hát nước ngoài hơn là nhạc Việt, chưa nói đến dân ca hay quan họ.

Trong khi môn âm nhạc được xem là chính khóa thì tại sao chúng ta không tận dụng để dạy cho các em âm nhạc của chính dân tộc mình. Nó không chỉ là nốt nhạc, là giai điệu, mà có còn nhiều ngũ cung khác mà chỉ có nhạc dân tộc mới có”, ông Giang chia sẻ.

Còn thầy Bùi Duy Phương chia sẻ, đây là một chủ trương rất hay và hiệu quả trong việc giảm áp lực học tập cho các em, nhưng để đầu tư một phòng chuyên môn về loại hình này (gồm nhạc cụ, hình ảnh, âm thanh…) không phải là điều dễ dàng với tất cả các trường học do phụ thuộc rất nhiều vào kinh phí, cũng như đội ngũ giáo viên âm nhạc.

Theo cô Dương Thị Ngọc Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thực hành sư phạm Phan Đình Phùng (quận 3), việc đưa dân ca vào trường học là một việc làm không hề đơn giản. Tuy nhiên, dù là khó nhưng sẽ làm được nếu ngành giáo dục TPHCM và tất cả các giáo viên thấy được ý nghĩa của chủ trương, có sự đam mê và muốn thay đổi.

Kinh nghiệm từ trường của cô Thu cho thấy, để triển khai được môn âm nhạc dân tộc, trước tiên nhà trường cần tuyên truyền rộng rãi đến HS và phụ huynh để tất cả mọi người thấy được mục đích và ý nghĩa của việc phát triển những bộ môn nghệ thuật dân tộc trong các em HS tiểu học, từ  đó, bên cạnh ngân sách của ngành, sự đóng góp của phụ huynh sẽ giúp chương trình thực hiện nhanh chóng.

Sau đó, nhà trường cần phối hợp với các nghệ sĩ của bộ môn  âm nhạc dân tộc tại các nhạc viện, đoàn nghệ thuật để dạy và tập huấn cho các giáo viên âm nhạc của nhà trường, cũng như tham gia giảng dạy trực tiếp cho các em trong những giờ học, từ đó sẽ dần dần giải quyết bài toán thiếu giáo viên cho môn học này.

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm