Cập nhật: 18/12/2013 09:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việt Nam muốn xây dựng xã hội học tập hiệu quả thì cần ứng dụng tối đa những thành tựu khoa học để mọi người đều có cơ hội được học tập suốt đời. Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội thảo quốc gia “Xây dựng Việt Nam trở thành xã hội học tập: Từ tầm nhìn đến hành động” tại Hà Nội.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Từ năm 2005, Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010 và mới đây là Đề án xây dựng xã hội học tập từ nay đến năm 2020.

Quá trình thực hiện xã hội học tập ở Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế không chỉ xây dựng công dân Việt Nam trở thành công dân toàn cầu mà phải gắn với việc tiếp thu những tinh hoa giáo dục, văn hóa của nhân loại, đưa những giá trị của nền văn hiến, văn hóa Việt Nam góp phần chung vào văn minh nhân loại.

Việt Nam cần tận dụng tối đa những thành tựu khoa học công nghệ hiện nay để tạo điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời, cho một xã hội học tập được thực hiện nhanh và hiệu quả hơn với nhiều hình thức khác nhau.

Việc xây dựng xã hội học tập dành cho tất cả mọi người nhưng phải phù hợp với từng đối tượng, quan điểm của Đảng, Nhà nước, trong đó đặc biệt quan tâm trước tiên là những học sinh gặp nhiều khó khăn, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số và ở những vùn, miền thường xuyên bị thiên tai...

Ngoài ra, Việt Nam phải luôn hết sức cổ vũ cho các ý tưởng sáng tạo, đổi mới; phát huy tất cả sức mạnh của nhân dân để xây dựng xã hội học tập và phục vụ cho công cuộc phát triển của đất nước.

Tại Hội thảo, bà Pratibha Mehta, Điều phối  viên thường trú Liên Hợp Quốc chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia Xây dựng xã hội học tập. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đưa khái niệm “xây dựng xã hội học tập” ở Việt Nam trở thành hiện thực.

Theo bà Pratibha Mehta, sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực đã thể hiện bằng việc đạt được phần lớn các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đến năm 2015 theo đúng tiến độ - một thành tựu đã được công nhận trên thế giới.

Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong giáo dục và bình đẳng giới thể hiện qua tỷ lệ người biết chữ, hoàn thành giáo dục phổ thông và giáo dục đại học… Những tiến bộ này phản ánh cam kết của Chính phủ trong việc xây dựng xã hội học tập, để mọi người dân được học tập liên tục trong suốt cuộc đời.

Tuy nhiên, để tận dụng được tối đa tiềm năng của mình, Việt Nam cần phải trở thành nền kinh tế hiệu quả và có trình độ, kỹ năng cao hơn, bằng cách đầu tư cho giáo dục, y tế và chất lượng cuộc sống của người dân tốt hơn.

Cam kết trở thành xã hội học tập của Việt Nam là yếu tố căn bản để tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình sẽ góp phần đặt nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững./.

Theo Chu Miên/VOV online

Tệp đính kèm