Cập nhật: 03/01/2014 09:18:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ GD-ĐT tổ chức họp thông báo về Dự thảo một số điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT. Dự thảo gồm 2 phương án sẽ được xin ý kiến rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân. Nếu được xã hội đồng thuận, Bộ GD-ĐT sẽ chọn ra phương án phù hợp nhất để có thể thực hiện ngay trong năm 2014. 

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Phương án khả thi nhất có thể áp dụng ngay trong năm 2014. Không có gì là gây áp lực với học sinh

Tuy nhiên, trước sự lo ngại của báo chí về việc, nếu bây giờ Bộ GD-ĐT mới trưng cầu ý kiến dư luận xã hội về 2 phương án thi thì học sinh không được chuẩn bị kỹ tâm lý cho việc học tập, thi cử, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, các phương án đưa ra để lấy ý kiến không có gì là đột ngột với học sinh.

Phương án khả thi nhất có thể áp dụng ngay trong năm 2014 vì thời gian đến khi thi (tháng 6/2014) còn dài, công việc chuẩn bị cho kỳ thi còn kịp. Không có gì là gây áp lực với học sinh cả. Đề thi vẫn nằm trong chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, không quá khó, không hề thách đố, không thay đổi yêu cầu.

Theo ông Hiển, chỉ có khác là ngoài những môn bắt buộc, các em có thể chọn môn thi mình yêu thích. Điều này hoàn toàn có lợi cho các em trong việc định hướng nghề nghiệp và chọn trường ĐH, CĐ phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, việc đánh giá xếp loại tốt nghiệp THPT ở các trường sẽ trên cơ sở đánh giá cả quá trình học tập và thi tốt nghiệp của học sinh.

Nếu trường nào học sinh có kết quả 3 năm học THPT cao nhưng điểm thi tốt nghiệp thấp hoặc ngược lại thì trường học đó phải điều chỉnh lại cách dạy và học cũng như thi cử một cách trung thực, khách quan, hợp lý hơn.

Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện gắt gao việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại giảng dạy, học tập và thi cử THPT một cách khách quan, trung thực để lấy đó làm căn cứ cho học sinh định hướng nghề nghiệp và xét duyệt vào các trường ĐH, CĐ./.

2 phương án thi tốt nghiệp THPT có thể áp dụng trong năm 2014:

Phương án 1: Thí sinh thi 4 môn gồm: 2 môn thi bắt buộc (Toán và Ngữ văn), 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.

Học sinh có thể đăng ký môn Ngoại ngữ (đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN). Dự kiến, bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm; đạt 7,0 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm; đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm.

Phương án 2: Thí sinh thi tốt nghiệp THPT gồm 5 môn: 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ); 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.

Với môn Ngoại ngữ, thí sinh thuộc hệ giáo dục thường xuyên và thí sinh giáo dục THPT không học hết chương trình hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được tự chọn một môn thi thay thế trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử sao cho không trùng với 2 môn tự chọn nói trên./.

Theo Chu Miên/VOV online

Tệp đính kèm