Thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa đưa ra những quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật. Theo đó, người khuyến tật được hưởng ưu tiên trong tuyển sinh và nhập học.
Cụ thể, người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi.Người khuyết tật được hưởng chế độ tuyển thẳng vào trung học phổ thông (THPT) như đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú và học sinh là người dân tộc rất ít người theo quy định tại Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông do Bộ GD-ĐT ban hành;
Người khuyết tật được xét tuyển thẳng vào trung cấp chuyên nghiệp theo Quy chế tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp do Bộ GD-ĐT ban hành. Hiệu trưởng các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc các trường có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp căn cứ kết quả học tập ở phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét và quyết định tuyển thẳng vào học.
Người khuyết tật đặc biệt nặng được xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập ở phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét và quyết định tuyển thẳng vào học. Người khuyết tật được hưởng chính sách ưu tiên theo đối tượng khi đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ theo quy định tại Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy do Bộ GD-ĐT ban hành.
Miễn, giảm một số nội dung môn học
Trong Thông tư cũng nêu rõ, người khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập học theo chương trình giáo dục chung.
Trường hợp người khuyết tật không có khả năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục chung, người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định điều chỉnh, miễn, giảm, thay thế một số nội dung môn học hoặc một số môn học, hoạt động giáo dục cho phù hợp và được thể hiện trong Kế hoạch giáo dục cá nhân.
Người khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục chuyên biệt ở cơ sở giáo dục chuyên biệt hoặc lớp chuyên biệt trong các cơ sở giáo dục học theo chương trình giáo dục chuyên biệt đã được Bộ GD-ĐT quy định đối với từng dạng khuyết tật.
Trường hợp người khuyết tật không có khả năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục chuyên biệt, người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định điều chỉnh, miễn, giảm, thay thế một số nội dung môn học, môn học hoặc hoạt động giáo dục cho phù hợp và được thể hiện trong Kế hoạch giáo dục cá nhân./.
Theo Lê Hiếu/VOV.VN