Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) là trường đầu tiên công bố không có học sinh đăng ký thi tốt nghiệp Sử.
Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) là trường đầu tiên công bố không có học sinh đăng ký thi tốt nghiệp Sử.
Thoát nạn môn Sử
Thống kê cho thấy toàn trường có 75,6% học sinh đăng ký thi tốt nghiệp môn Lý, 56,3% thi Tiếng Anh, 50,8% thi môn Hóa, 11,4% thi môn Địa, 0% đăng ký thi Sử.
Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, thầy Văn Như Cương cho biết trên tờ Vnexpress, rằng thầy đã rất buồn buồn khi Bộ đề ra chủ trương cho học sinh tự chọn môn thi.
"Họ đã không suy xét được hậu quả sẽ như thế nào. Tôi được biết, nhiều trường khác cũng không có học sinh nào đăng ký dự thi môn Sử", thầy Cương nói.
Giải thích về việc tại sao học sinh trường mình không chọn Sử, thầy Văn Như Cương cho biết, nguyện vọng của các em khi vào trường là thi đại học khối A, D. Dù học đều và những năm trước thi Sử với kết quả khá nhưng Sử không phải là môn trọng tâm khi thi đại học nên bị bỏ qua - nghĩa là không phải do học sinh ghét Sử, mà do so sánh thì những môn khác có lợi hơn. Sử thi 90 phút tự luận, sẽ mệt mỏi và khó lấy điểm hơn những môn khác.
"Nếu cả nước chỉ dưới 1% học sinh đăng ký thi Sử thì vô tình môn Sử lại bị giáng một đòn chí mạng", thầy Cương nhận định.
Còn nhớ, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, học sinh trường Nguyễn Hiền (Quận 11, TPHCM) đã đồng loạt "ăn mừng" sự kiện môn sử không nằm trong danh sách các môn thi tốt nghiệp bằng việc đồng loạt reo hò và xả rác, trong đó có đề cương môn sử xuống sân trường.
Thầy Nguyễn Cảnh Tân - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền cho biết, quá vui mừng vì vốn dĩ môn sử là môn khiến học sinh phải “gạo bài” nhiều nhất nên hầu hết học sinh đều “ngán ngại”, ban đầu là một vài học sinh reo hò và “vớ” được giấy tờ gì tiện tay là đều lấy tung, rải xuống sân trường.
Và theo phản ứng dây chuyền – nhất là trong thời điểm thích hợp (giờ ra chơi) - hiện tượng này đã lan nhanh, nhiều HS đã lấy những đề cương các môn sẽ học tiếp theo để tung xuống, trong đó tất nhiên có cả đề cương môn sử.
Thông tin trên báo Tuổi trẻ, GS NGND Phan Huy Lê từng cho biết, hiện nay môn sử là môn học bị coi thường nhất trong nhà trường phổ thông .
Vì là môn phụ nên lịch sử không phải môn thi tốt nghiệp THPT hằng năm, có năm thi, có năm không thi. Năm nào không thi thì không chỉ học sinh muốn “xả hơi”, mà các trường cũng tổ chức học dồn để dành thời gian cho học sinh học môn khác.
Lịch sử phải là môn học bắt buộc
Trước đó vào hồi tháng 5/2013, các nhà nghiên cứu lịch sử, những người làm giáo dục đã từng ngồi bàn về "số phận" của môn lịch sử trong trường phổ thông và đề xuất bỏ những định kiến lệch lạc.
Tại đây, nhiều chuyên gia đã đề xuất môn lịch sử phải là môn học bắt buộc.
Các chuyên gia đều cho rằng cần thuyết phục Bộ GD-ĐT coi môn Sử phải là môn học cơ bản mà tất cả các ban đều phải học và thi tốt nghiệp. Từ đó, nên cấu tạo theo chương trình đường thẳng để tránh nhược điểm của chương trình đồng tâm và có thêm thời gian cho giáo viên áp dụng phương pháp dạy học tích cực.
GS Trần Thị Vinh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nêu quan điểm, chưa có quốc gia nào trên thế giới đặt "số phận" của môn sử như ở Việt Nam.
"Do đó, các chuyên gia cũng không mất quá nhiều thời gian để định vị tầm quan trọng của môn học này. Ở nhiều nước họ mặc định, môn sử luôn là môn học chính. Họ không bàn nhiều về số phận môn sử như ở Việt Nam. Cách làm của Việt Nam khác thế giới" GS Trần Thị Vịnh nói.
Theo baodatviet.vn