Cập nhật: 04/06/2014 15:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm nay, nội dung đề thi của cả ba môn thi tự luận là Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý đều nóng hổi tính thời sự về vấn đề biển đảo và chủ quyền của Tổ quốc. Điều này đã gây nhiều cảm hứng cho các thí sinh trong quá trình làm bài.


Thí sinh rời phòng thi môn Địa lý chiều 3-6

Chiều 3-6, sau môn Hóa học, các thí sinh bước vào môn thi Địa Lý. Với thời gian làm bài 90 phút, đề thi gồm có bốn câu hỏi, thì có tới hai câu đề cập kiến thức về vùng biển Việt Nam và vấn đề chủ quyền biển đảo. Nhiều chủ đề rất thiết thực đã được đặt ra với các thí sinh: “Vùng biển Việt Nam bao gồm những bộ phận nào? Trình bày tài nguyên khoáng sản và hải sản của vùng biển nước ta? Tại sao cần phải bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù rất nhỏ”...

Những câu hỏi trên được đưa ra trong bối cảnh người dân cả nước đang hết sức bất bình về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hầu hết các thí sinh đã tỏ ra hứng thú với câu hỏi đầy tính thời sự của đề thi. Nhiều học sinh cho biết, đây là phần kiến thức đã được các em ôn tập và chuẩn bị kỹ nên không thấy bất ngờ và đều làm tốt.

Thí sinh Trần Sao Mai (lớp 12D6 Trường THPT Phan Đình Phùng) cho biết các ý chính được em trình bày trong bài làm để trả lời cho câu hỏi này là: “Biển đảo là bộ phận thống nhất không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam, biển đảo có vai trò quan trọng, là hệ thống tiền tiêu giúp Việt Nam hướng ra thế giới, biển đảo còn có vai trò về an ninh, quốc phòng, có giá trị về kinh tế, tự nhiên với nhiều sinh vật, hải sản...”Mai cho biết đây là câu hỏi có trong đề cương ôn tập. Em nhận xét đề thi này tạo cho em hứng thú bởi nó gắn với thời sự và thí sinh cần phải suy luận để trình bày ý kiến của mình. Ngoài ra, một câu hỏi khác trong đề thi về Quốc lộ 1A cũng được các thí sinh cho rằng rất hay và thực tiễn.

Nét đáng chú ý trong đề thi tự luận năm nay là nội dung rất gắn với các vấn đề thời sự. Chẳng hạn, đề thi Ngữ Văn yêu cầu thí sinh bày tỏ thái độ trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đề thi Lịch sử hỏi thí sinh về việc tại sao Liên hợp quốc lại xác định một trong những nguyên tắc hoạt động là giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. Từ đó liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay...

Năm ngoái, đã xuất hiện một số đề thi theo hướng mở tương tự. Nhiều thí sinh cho rằng, việc ra đề gắn với thời sự sẽ giúp họ tránh tư duy học thuộc lòng, với những kiến thức khô cứng và có thể nêu lên những quan điểm cá nhân và tư duy của riêng mình.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và đào tạo, trong ngày thi thứ hai, đề thi các môn thi được bảo mật an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu. Nhìn chung, đề thi của các môn Toán, Hóa học và Địa lý có nội dung phù hợp với chuẩn kiến thức kỹ năng của Chương trình THPT, đáp ứng yêu cầu đổi mới thi theo định hướng đánh giá năng lực. Đề thi môn Địa lý có câu hỏi gắn với nội dung bảo vệ chủ quyền, biển đảo, có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân.

Thống kê của Bộ GD ĐT cho thấy buổi thi môn Toán có tổng số 908. 109 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 99,77% so với số đăng ký dự thi. Ca thi môn Hóa học có tổng số 522.888 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 99,81% so với số đăng ký dự thi. Ca thi môn Địa lý có tổng số 327.701 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 99,64% so với số đăng ký dự thi.

Trong buổi thi môn Toán, có bốn thí sinh vi phạm quy chế, bị đình chỉ thi do mang điện thoại vào phòng thi, gồm một thí sinh THPT và ba thí sinh GDTX. Trong ca thi môn Hóa học, có một thí sinh GDTX vi phạm quy chế bị đình chỉ thi do điện thoại di động. Trong ca thi môn Địa lý, có một thí sinh GDTX vi phạm quy chế bị đình chỉ thi do mang tai nghe bluetooth vào phòng thi. Trong ngày thi, không có giám thị nào vi phạm quy chế thi.

 

 

Theo LÊ HÀ/Báo Nhân dân điện tử

 

Tệp đính kèm