Cập nhật: 07/06/2014 10:51:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

"Dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản" dự kiến sẽ được Chính phủ ban hành tới đây có sức động viên to lớn với ngư dân trong vươn khơi, bám biển, giữ vững chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan.

BIDV là đơn vị đầu tiên tham gia triển khai chương trình hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển

Ông Trần Bắc Hà-Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)-đơn vị đầu tiên tham gia triển khai chương trình hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, đã có cuộc trao đổi với PV Báo điện tử Chính phủ chia sẻ về những vấn đề liên quan.

Chính phủ đang dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản, ông có ý kiến như thế nào về Nghị định này?

Ông Trần Bắc Hà: Dự thảo Nghị định tập trung vào việc hoàn thiện các chính sách tín dụng cho đánh bắt xa bờ và xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá với nhiều cơ chế mới và mức đầu tư lớn chưa từng có.

Riêng về chính sách tín dụng, chủ tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ được vay vốn đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu với hạn mức vay bằng 90% tổng giá trị dự án vay vốn đối với tàu vỏ thép, vật liệu mới trong 10 năm; 70% tổng giá trị dự án vay vốn đối với tàu vỏ gỗ (bao gồm cả ngư cụ, thiết bị trên tàu) trong 7 năm. Lãi suất vay tối đa 3%/năm, tức là chưa bằng một nửa lãi suất huy động với thời gian ân hạn 1 năm.

Đặc biệt, ngư dân được sử dụng giá trị tàu đóng mới, tàu cải hoán, nâng cấp để bảo đảm vốn vay.Tôi cho rằng, với thực tế hầu hết tàu đánh bắt xa bờ hiện là vỏ gỗ, thì chính sách tín dụng đặc biệt này được kỳ vọng sẽ là cơ sở để hiện thực hóa giấc mơ tàu vỏ thép của nhiều ngư dân.

Ngoài ra, vốn vay lưu động cũng được điều chỉnh như: Hạn mức vay tối thiểu 200 triệu đồng/năm đối với tàu khai thác hải sản; tối thiểu 500 triệu đồng/năm đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản. Bên cạnh đó, ngư dân sẽ được hỗ trợ 70% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, 100% kinh phí mua bảo hiểm kết hợp con người cho thuyền viên trên tàu đánh bắt xa bờ.

Dự thảo Nghị định cũng đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ khắc phục rủi ro trên biển. Theo đó, ngư dân không may bị chết, mất tích khi khai thác trên biển được hỗ trợ  ít nhất 25 lần mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội… Đây là những chính sách có sức động viên to lớn giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Trong thời điểm hiện nay, theo tôi việc mở rộng áp dụng thí điểm thông qua đẩy nhanh việc ban hành Nghị định có ý nghĩa rất quan trọng.Trước tiên, Nghị định được ban hành kịp thời, đúng thời điểm nhằm hỗ trợ phát triển thủy sản trong bối cảnh cả nước đang hướng về các vùng biển đảo, hướng về bà con ngư dân khắp mọi miền Tổ quốc.

Điều này cũng thể hiện sự quan tâm của Chính phủ trong việc hỗ trợ ngư dân, giúp bà con tăng hiệu quả đánh bắt, khai thác, qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế; tạo thêm niềm tin để ngư dân yên tâm tiếp tục vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền quốc gia.

Từ năm 1997, chúng ta đã có cơ chế thực hiện chương trình cho vay đánh bắt xa bờ, nhưng thực tế triển khai bộc lộ nhiều hạn chế (về mặt kinh tế). Vậy làm thế nào để hạn chế này không lặp lại?

Ông Trần Bắc Hà: Với chương trình cho vay đánh bắt xa bờ trước đây (1997), BIDV là ngân hàng duy nhất được Chính phủ chỉ định cùng Tổng cục Đầu tư phát triển triển khai cho vay chương trình đánh bắt xa bờ theo Quyết định 393/QĐ-CP. 

Mục đích vay vốn của các khoản vay đánh bắt xa bờ là đóng tàu, mua ngư cụ, lưới đánh bắt với tài sản đảm bảo là tàu, thuyền hình thành từ vốn vay. Do đó, dù mục đích triển khai là rất tốt, nhưng qua quá trình thực hiện đã cho thấy những hạn chế nhất định, nhất là tỷ lệ rủi ro trong cho vay cao do nguyên nhân chủ quan và khách quan (thiên tai, làm ăn thua lỗ không có khả năng trả nợ...).

Tài sản bảo đảm cho khoản vay là con tàu, lại là tài sản di động, hoạt động ngoài vùng biển xa nên dễ xuống cấp và hư hỏng. Trong khi đó, có một bộ phận khách hàng vay vốn nhưng thiếu trách nhiệm trả nợ dẫn đến việc thu hồi vốn khó khăn trong nhiều năm, tỷ lệ nợ xấu cao, không quản lý được nguồn hàng - tiền (vì đánh bắt xa bờ nên đánh bắt ở đâu ngư dân thường bán ở đó),  không có quy trình quy định chặt chẽ, ràng buộc trách nhiệm.

Ngoài ra, giá trị phát mãi tài sản thấp chỉ bằng 1/3 giá trị thực của con tàu. Tài sản đảm bảo được hình thành từ chính vốn vay, không có gì ràng buộc trách nhiệm khách hàng trả nợ…So với  Quyết định 393, cơ chế tín dụng cho vay đánh bắt xa bờ theo phương án dự kiến ban hành năm 2014 (sau khi đúc kết kinh nghiệm) đã tạo chủ động cho tổ chức tín dụng lựa chọn người vay có kinh nghiệm, có năng lực tài chính, có khả năng quản lý tốt nhất để đảm bảo việc sử dụng vốn, khai thác tài sản có hiệu quả, tăng khả năng thu hồi vốn. 

Cơ chế tín dụng cho vay đang dự thảo theo Nghị định mới xác định rõ: Nhà nước thực hiện chính sách cấp tín dụng ưu đãi nhưng theo nguyên tắc vay vốn thương mại có hoàn trả; các NHTM hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn khách hàng và xem xét, quyết định cho vay; hỗ trợ đồng bộ và toàn diện cho các ngư dân, doanh nghiệp để phát triển kinh tế biển trên các khía cạnh: Khai thác, phát triển dịch vụ, đầu tư hệ thống hạ tầng, tổ chức lại hoạt động khai thác, cung cấp dịch vụ.

Theo ông, cần có biện pháp gì để chương trình đi vào cuộc sống?BIDV xác định trách nhiệm, vai trò của mình trong chương trình tín dụng mới cho ngư dân thế nào? 

Ông Trần Bắc Hà: Theo tôi để chương trình đi vào cuộc sống,  cần sớm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách (sau khi đã lấy ý kiến các bộ, ngành và NHTM) để nhanh chóng hỗ trợ ngư dân đầu tư khai thác hải sản trên các vùng biển xa, vùng biển trọng yếu.

Cần lấy ý kiến ngư dân theo từng mục đích đánh bắt và dải công suất, đặc biệt là tàu sắt và vật liệu mới để ngư dân/chủ tàu lựa chọn phù hợp với năng lực và nhu cầu, đảm bảo phù hợp với tập quán, khả năng, năng lực khai thác của ngư dân tại các địa phương khác nhau.

Cần có kế hoạch và bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư đồng bộ các cảng cá, cơ sở neo đậu tránh trú bão, hệ thống cung cấp hậu cần, thông tin liên lạc cùng với việc phát triển đội tàu, có thể cho các NHTM linh hoạt các hình thức cho vay…Ngoài ra, theo tôi cần có hỗ trợ của các cơ quan quản lý liên quan trong việc quản lý tài sản đảm bảo tiền vay và nguồn tiền từ đánh bắt hải sản để thu hồi nợ (hỗ trợ ngân hàng thông tin về vị trí các con tàu, thông tin về kết quả đánh bắt). Thực hiện truyền thông về chương trình, tăng cường liên kết, để bà con thay đổi tập quán đánh bắt từ đơn lẻ sang tổ, đội/nhóm (từ 4-6 tàu liên kết) để gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Về phía mình, BIDV đã xây dựng chương trình, chính sách cấp tín dụng 3.000 tỷ đồng hỗ trợ khai thác hải sản xa bờ năm 2014. Theo đó, cam kết thủ tục vay vốn đối với khách hàng ngắn gọn, đơn giản, xử lý trong thời gian 4 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ vay vốn.

Sau khi khảo sát, BIDV đã  lựa chọn 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi là 2 địa phương có số lượng tàu đánh bắt lớn nhất tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa làm thí điểm triển khai chương trình tín dụng, theo đó sẽ ký hợp đồng tín dụng cho vay trung dài hạn đầu tư tàu ngay trong tháng 6/2014, sau khi Nghị định ban hành.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Huy Thắng (thực hiện)/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm