Mục đích của dạy học cả ngày là thông qua quỹ thời gian học tập tại trường được tăng lên sẽ giúp cải thiện chất lượng giáo dục.
Ảnh minh họa
Bản “Nghiên cứu so sánh trường hợp về hoạt động của các trường tiểu học thực hiện dạy học cả ngày, thuộc Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) và ngoài SEQAP tại một số tỉnh ở Việt Nam” cho thấy, các trường trong SEQAP có chất lượng giáo dục tốt hơn các trường ngoài chương trình này. Mô hình dạy học cả ngày (FDS) theo đó cần được triển khai rộng rãi hơn tại nhiều địa phương còn khó khăn trên cả nước.
Bộ GDĐT đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu 10 trường tiểu học thuộc các vùng miền của Việt Nam trong chương trình SEQAP. Trong đó, có 4 trường ngoài SEQAP là: San Sả Hồ II ở Sapa, Lào Cai; Hiệp Thạnh ở Long An; Phan Chu Trinh ở Đăk Nông và 6 trường tham gia SEQAP là: Hầu Thào, Lao Chải tỉnh Lào Cai; N’Trang Long và Lê Lợi tỉnh Đăk Nông; Dương Xuân Hội và Thạnh Phước B ở Long An.
Mục đích của việc đưa thêm các trường ngoài SEQAP vào nghiên cứu là để tìm hiểu xem các trường, hay hầu hết các trường có thể thực hiện chuyển sang dạy học cả ngày (FDS) như thế nào khi không có sự hỗ trợ đầu vào của SEQAP, qua đó xác định tầm quan trọng của các đầu vào của SEQAP đối với hiệu quả thực hiện mô hình FDS. Theo đó, 4/6 trường SEQAP được đánh giá là có hoạt động tốt bao gồm: Lao Chải, Hầu Thào, Dương Xuân Hội và Lê Lợi; 2 trường hoạt động chưa tốt, còn gặp nhiều khó khăn là N’Trang Long, Thanh Phước B.
Việc rút kinh nghiệm từ thí điểm sẽ giúp triển khai học cả ngày đạt được thành công. Bốn trường ngoài SEQAP là những trường được xem là hoạt động tốt, có điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau, các trường trong diện khảo sát tham gia SEQAP cũng thu được kết quả khác nhau. Trong đó, điểm chung nhất của các trường này khi khiển khai FDS là số lượng học sinh khá giỏi tăng lên, học sinh yếu giảm, học sinh bỏ học gần như không có. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, cảnh quan nhà trường có nhiều thay đổi tích cực. Số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên đều được tăng cường. Và đáng mừng hơn cả là nhận thức của cộng đồng, phụ huynh học sinh và học sinh vào công tác giáo dục đã tăng lên nhờ thành tích học tập tiến bộ của các em học sinh. Cụ thể như trường tiểu học Thạch Phước B, 2 năm liền không có học sinh bỏ học; số học sinh yếu giảm một nửa; học sinh đến trường chuyên cần, đầy đủ hơn.
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, có nhiều lí do để các trường chuyển sang thực hiện FDS: Do nhu cầu của phụ huynh, hỗ trợ xây dựng và hỗ trợ ăn trưa của SEQAP như chất xúc tác để các trường tổ chức và thực hiện FDS. Nhưng lí do chủ yếu nhất là nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục. Nhà trường lựa chọn và thực hiện mô hình FDS phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình và chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh nhưng đôi khi vượt quá khả năng thực tế như thực hiện FDS và dạy học theo mô hình T35 trong khi thiếu phòng học và giáo viên, cơ sở vật chất chưa đảm bảo chất lượng, thiếu phương tiện dạy học, nhất là ở các điểm trường lẻ và các trường không có sự hỗ trợ của SEQAP. Chất lượng giáo dục có sự cải thiện rõ rệt khi các trường chuyển sang thực hiện FDS. Tại một số địa phương như huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, người dân mong muốn được tiếp tục triển khai SEQAP để có thêm nhiều trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em vùng khó khăn được đến trường, được chăm sóc, giáo dục và học tập đầy đủ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, nghiên cứu SEQAP cũng chỉ ra một số hạn chế, một tỷ lệ lớn các em học sinh tại nhiều trường chưa được hỗ trợ ăn trưa và các nhu cầu thiết yếu khác. Tất cả các trường đều không có đủ kinh phí đáp ứng nhu cầu dạy học cả ngày, thiếu quyền tự chủ cần thiết.
Đáng chú ý, có 4 vấn đề cần phải xem xét để SEQAP có thể đưa vào kế hoạch hỗ trợ. Một là vấn đề bếp ăn. Các trường tổ chức dạy học cả ngày cần được xây dựng nhà bếp và phòng ăn theo đúng qui chuẩn, đảm bảo các điều kiện vệ sinh và an toàn thực phẩm... Hai là thư viện tại nhà trường và thư viện tại lớp học. Đây là một vấn đề nổi cộm mà hầu hết các trường được khảo sát đều đề cập đến. Thư viện cần được trang bị nguồn sách và tài liệu phong phú, đa dạng, phù hợp với học sinh thuộc khối lớp khác nhau và được sử dụng như một công cụ cần thiết cho việc phát triển kĩ năng đọc, viết, mở rộng hiểu biết của học sinh…
Ba là sự chưa phù hợp của bàn ghế và các đồ dùng cho học sinh trong lớp học. Cần phải hoàn thiện chuẩn quốc gia về kích cỡ và chất lượng các đồ dùng và bàn ghế trong lớp học để đảm bảo học sinh ở các khối lớp khác nhau được trang bị các bàn ghế có kích thước phù hợp với các em, phù hợp cho các phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm hay các hoạt động nhóm...Bốn là thiết bị dạy học và tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp cần được trang bị thêm, đầy đủ, phong phú hơn để các trường học có thể tổ chức tốt hơn các hoạt động dạy học và hoạt động ngoài giờ. Thí dụ như, giờ nghỉ buổi trưa, học sinh không chỉ ngủ, mà nhà trường nên tổ chức cho các em xem phim, đọc sách báo, tìm hiểu thêm các thông tin bổ ích mà các em yêu thích. Mô hình hoạt động của trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) được đánh giá là thành công và mang lại hiệu quả.
SEQAP mới qua giai đoạn đầu triển khai nhưng bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn thực hiện chương trình này rất có ý nghĩa, đảm bảo cho chương trình sẽ mang lại hiệu quả giáo dục thiết thực cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số khó khăn./.
Theo PV/VOV.VN