Với việc chuẩn bị kỹ lưỡng trong khâu tổ chức coi thi, đổi mới cách ra đề và thực hiện tốt phương án “3 chung”, kỳ thi ĐH năm nay có nhiều tiến bộ.
Hai đợt thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014 được tổ chức vào ngày 4-5/7 (thi khối A, A1 và V) và ngày 9-10/7 (thi khối B, C, D và các khối Năng khiếu) vừa kết thúc.Kỳ thi tiếp tục được giữ ổn định và thực hiện theo phương án “3 chung” (chung đề, chung đợt thi và chung kết quả xét tuyển).Trước hết, có thể khẳng định, việc tiếp tục phát huy hiệu quả của thực hiện phương án “3 chung” đã có từ hơn 10 năm nay vào kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 là một chủ trương đúng đắn của Bộ GD-ĐT. Việc thực hiện phương án “3 chung” góp phần giảm kinh phí tổ chức thi, đỡ tốn kém cho các gia đình ở các vùng, miền xa xôi đưa con em lên Hà Nội dự thi, cũng như giúp cho các trường dễ dàng chấm thi, xét tuyển hơn.
Thí sinh tham dự kỳ thi đại học năm 2014
Đổi mới cách ra đề thi được đánh giá cao
Điểm đặc biệt trong kỳ thi ĐH năm nay là Bộ GD-ĐT đã lựa chọn đổi mới thi cử là khâu đột phá trong đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo theo Nghị quyế 29TW. Theo đó, khâu thay đổi cách ra đề thi là bước đi đầu tiên trong đổi mới thi cử.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, đề thi các môn thi ĐH năm nay được ra theo hướng “mở”, khuyến khích thí sinh có cách giải độc đáo, trình bày ý kiến một cách sáng tạo. Việc ra đề thi theo hướng “mở” góp phần giảm hiện tượng “học tủ, học lệch”, “học vẹt”, học thuộc lòng, với yêu cầu thí sinh phải biết phát hiện vấn đề, có kiến thức xã hội rộng và tư duy một cách logic, có hệ thống.Đặc biệt, nội dung đề thi môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý gắn với thực tiễn và tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, đề cập đến vấn đề biển đảo, khái quát về Biển Đông, an ninh lãnh hải và tài nguyên biển của Việt Nam. Đề thi đã góp phần giúp cho thế hệ trẻ hiểu hơn về chủ quyền biển đảo, sử dụng, khai thác tài nguyên cũng như giá trị của đảo và biển đảo trong vai trò bảo vệ Tổ quốc.
Đề thi ĐH năm nay được bảo mật an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu từ soạn thảo, in sao đến vận chuyển.Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, các thầy cô giáo, dư luận xã hội cũng thí sinh, đề thi của tất cả các môn thi không có sai sót, nội dung đều nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Đề thi đã bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, phù hợp với thời gian làm bài, kiểm tra được kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, đồng thời có khả năng phân hóa được trình độ thí sinh, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tuyển chọn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định, việc đổi mới đề thi ĐH, CĐ là bước đi cần thiết để tiến tới tổ chức một kỳ thi quốc gia chung. Qua đó, hướng tới kiểm tra kiến thức toàn diện của học sinh một cách thực chất hơn.Năm nay là năm đầu tiên, Bộ GD-ĐT thay đổi cách ra đề thi, có thể nhiều học sinh chưa quen với việc thay đổi này nên còn lúng túng, bỡ ngỡ trong khi làm bài. Tuy nhiên, việc đổi mới đề thi nhằm từng bước thay đổi cách giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh một cách hiệu quả, thiết thực hơn đã được dư luận xã hội đánh giá cao.
Số lượng thí sinh bị xử lý kỷ luật giảm đáng kể
Bên cạnh việc đổi mới cách ra đề thi được dư luận đánh giá cao, một trong những điểm đáng ghi nhận của kỳ thi ĐH năm nay là số lượng thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật giảm nhiều hơn so với năm 2013. Theo ghi nhận của Bộ GD-ĐT, kết thúc cả hai đợt thi ĐH, cả nước có 226 thí sinh xử lý kỷ luật, giảm 107 trường hợp so với năm 2013 (333 thí sinh bị xử lý kỷ luật).Nếu như mọi năm, số lượng thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật năm sau thường cao hơn năm trước thì năm nay, số lượng thí sinh vi phạm giảm đáng kể. Điều này cho thấy, công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kỳ thi đã được các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng và chặt chẽ hơn nên trật tự trường thi, phòng thi đã nghiêm túc, an toàn hơn.Song song với việc đảm bảo kỷ cương trong công tác coi thi, nhiều trường ĐH, CĐ đã thực hiện tốt việc sàng lọc thí sinh “ảo” bằng cách sơ tuyển hồ sơ nên đã giảm đáng kể kinh phí tổ chức thi, bố trí phòng, thuê địa điểm thi cũng như đội ngũ cán bộ, nhân lực thực hiện công tác coi thi.
Với việc chuẩn bị kỹ lưỡng trong khâu tổ chức coi thi, đổi mới cách ra đề và thực hiện tốt phương án “3 chung”, có thể nói, kỳ thi ĐH năm nay có nhiều tiến bộ hơn so với kỳ thi năm 2013. Đây là bước tiến đáng kể để Bộ GD-ĐT xem xét thực hiện tổ chức một kỳ thi quốc gia chung nhằm 2 mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trong thời gian tới./.
Theo Bích Lan/VOV.VN