Năm học 2013-2014 có sứ mệnh như một năm bản lề, với nhiệm vụ quan trọng là triển khai từng bước những thí điểm về đổi mới giáo dục theo tinh thần, nội dung của Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.
Ảnh minh họa
Kết quả tích cực bước đầu
Theo báo cáo của Bộ GDĐT tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2014-2015 đối với Giáo dục tiểu học, Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên, ngày 30/7, năm học 2013-2014 công tác giáo dục đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Nhìn chung cả 2 cấp tỷ lệ xếp loại hạnh kiểm, học lực yếu kém đều giảm so với năm học trước. Cấp THCS tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt chiếm 96,3% (tăng nhẹ so với năm 2012-2013); xếp loại học lực khá và giỏi chiếm 58,4%, tăng so với năm học 2012-2013 (52,6%). Ở cấp THPT xếp loại hạnh kiểm khá và tốt đạt 94,3%, xếp loại học lực khá giỏi chiếm 52,2%.
Bắt đầu từ năm học 2012, Bộ đã chỉ đạo, triển khai đổi mới một số hoạt động giáo dục nhằm nâng cao chất lượng ở cấp học THCS và THPT nhằm chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình, SGK phổ thông như triển khai đề án “Xây dựng mô hình nhà trường đổi mới đồng bộ”, thí điểm mô hình “Phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông”; chuẩn bị triển khai thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) ở cấp THCS.
Những chủ trương này đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của rất nhiều địa phương.Việc triển khai đề án phát triển tiếng Anh giai đoạn 2008-2020; chương trình dạy tiếng Anh cho các lớp tiểu học và lớp 6,7 được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tiến độ. Trong đó có cả việc triển khai công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn và tập huấn nâng cao năng lực giảng dạy và kiểm tra đánh giá môn tiếng Anh.
Các Đề án dạy thí điểm tiếng Nhật, tiếng Đức được thực hiện thí điểm đạt kết quả tốt và chuẩn bị triển khai thực hiện giai đoạn 2 các đề án này; mở rộng tiếp tục thí điểm thực hiện dạy song ngữ tiếng Pháp một số môn khác dạy song ngữ tiếng Anh.Hiện, tổng số trường học 2 buổi/ngày có 3641 trường, tỷ lệ 33,5% tăng 0,7% so với năm học trước. Ở cấp THPT, tổng số trường học 2 buổi/ngày đạt 772 trường, tỷ lệ 28,5% tăng 3,3% so với năm học trước.
Ngành Giáo dục tích cực triển khai phát triển nguồn học liệu điện tử trên mạng; tổ chức tập huấn giáo viên qua mạng theo hình thức e-learning về phương pháp “Bàn tay nặn bột”; giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống; lập diễn đàn trên mạng về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh...
Tăng định lượng đổi mới
Sang năm học 2014-2015, Bộ GDĐT đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là triển khai nội dung đổi mới căn bản, toàn diện, mà cụ thể là đổi mới trong phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá.
Trong khi chưa có chương trình, SGK mới, Bộ GDĐT yêu cầu các địa phương tăng cường giao quyền chủ động cho các trường xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh theo khung thời gian 37 tuần thực học; có đủ thời lượng dành cho luyện tập, ôn tập, thí nghiệm, thực hành, tổ chức hoạt động trải nghiệm, sáng tạo và kiểm tra định kỳ. Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên được chủ động chọn lựa nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và các chủ đề tích hợp liên môn.
Bộ cũng sẽ tiếp tục triển khai thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) cấp THCS đối với 1 số lớp 6 của các trường THCS thuộc 6 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Kon Tum, Đăk Lăk, Khánh Hòa.Việc đổi mới thi cử, kiểm tra đánh giá cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2014-2015. Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển, việc thực hiện đổi mới và kiểm tra đánh giá sẽ được triển khai theo hướng chú trọng đánh giá phẩm chất và năng lực của học sinh; chú trọng đánh giá quá trình, đánh giá trên lớp, đánh giá bằng hồ sơ, bằng nhận xét; tăng cường hình thức đánh giá thông qua sản phẩm dự án, bài thuyết trình.
Các hình thức đánh giá, kiểm tra cần phải hướng tới phát triển năng lực của học sinh; coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập, động viên sự cố gắng, hứng thú học tập của các em trong quá trình dạy học.Việc kiểm tra đánh giá không chỉ là việc xem xét học sinh học được cái gì mà quan trọng hơn là biết học sinh học như thế nào, có biết vận dụng không, kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học.
Theo Nguyệt Hà/Chinhphu.vn