Theo đó, sẽ có 3 mức điểm sàn đối với khu vực đại học và 1 mức điểm sàn đối với khu vực cao đẳng.
Hôm nay (8/8), Bộ GD-ĐT họp họp Hội đồng tư vấn điểm sàn để quyết định điểm sàn của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2014. Từ quyết định điểm sàn của Bộ, các trường đại học, cao đẳng sẽ đưa ra mức điểm chuẩn cũng như xét tuyển nguyện vọng 2 vào trường.
Thí sinh dự thi vào ĐH Ngoại thương năm 2014
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, những năm trước, Bộ GD-ĐT chỉ quy định 1 mức điểm sàn cho các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, trên thực tế, các trường ĐH, CĐ có những tiềm lực, kinh nghiệm, nguồn lực, các ngành nghề đào tạo rất đa dạng, phong phú và khác nhau. Do đó, nếu chúng ta chỉ quy định 1 mức điểm sàn thì chưa thực sự linh hoạt và phù hợp với những yếu tố trên.
Vì thế, năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ có cách thức mới để xây dựng điểm sàn. Theo đó, sẽ có 3 mức điểm sàn đối với khu vực ĐH và 1 mức điểm sàn đối với khu vực CĐ. Ứng với đào tạo ĐH và CĐ sẽ có 1 mức điểm sàn tối thiểu.
Trong việc xây dựng nhiều mức điểm sàn, Bộ GD-ĐT có tính đến môn thi chính. Điểm sàn sẽ được căn cứ theo tổng phổ điểm của các môn thi trong cùng một khối thi. Các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng môn thi chính nhân hệ số 2 để xác định điểm sàn của trường theo nguyên tắc là không được thấp hơn điểm trung bình mức điểm sàn cơ bản của Bộ GD-ĐT. Điều này sẽ tạo cơ hội cho cho thí sinh nào có năng lực, sở trường ở những môn học, ngành nghề nào đó đỗ hơn.
Bộ GD-ĐT cũng lưu ý, các trường phải lưu ý đến các quy định điểm sàn để để đảm bảo nguồn tuyển sinh đầu vào.
Việc quy định nhiều mức điểm sàn cũng sẽ phù hợp hơn với đẳng cấp, tiềm lực, kinh nghiệm và nguồn lực của các trường trong việc tuyển chọn thí sinh vào trường một cách linh động hơn. Đây là bước đi đầu tiên nhằm hướng tới phân tầng các trường ĐH, CĐ./.
Theo Bích Lan/VOV.VN