Phù hợp với thực tế giáo dục, tính khả thi cao và không gây thêm căng thẳng cho giáo viên, học sinh là lý do chính để phương án 1 (trong 3 phương án Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến) nhận được nhiều sự nhất trí của các sở, trường ĐH và các chuyên gia.
Kỳ thi tốt nghiệp sẽ tổ chức theo các cụm thi. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà
Theo số liệu do Bộ GD&ĐT vừa công bố trong buổi họp báo chiều nay (9/9), trong số 24 ý kiến của các sở GDĐT thì có 91,66% ủng hộ phương án 1; 4,16% ủng hộ phương án 2; 4,16% ủng hộ phương án 3.
Tại Hội nghị tổng kết năm học bậc GD phổ thông, GD thường xuyên, GD chuyên nghiệp, có 142 ý kiến về phương án tổ chức kì thi quốc gia có 80,98% ủng hộ phương án 1; 17,6% ủng hộ phương án 2 và 1,4% ủng hộ phương án 3. Có 120 ý kiến của đại diện các trường ĐH, CĐ, trong đó có 65,83% ủng hộ phương án 1; 24,16% ủng hộ phương án 2; 9,16% ủng hộ phương án 3.
Có 2.788 trường THPT, trung tâm GD thường xuyên thuộc 63 sở GD&ĐT và Cục Nhà trường được hỏi ý kiến về một kì thi quốc gia, trong đó có 137.379 ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên (85,23% ủng hộ phương án 1; 7,965% ủng hộ phương án 2; 2,68% ủng hộ phương án 3); có 929.584 ý kiến của học sinh ( 87,235% ủng hộ phương án 1; 6,91% ủng hộ phương án 2; 2,12% ủng hộ phương án 3).
Là người tán thành việc lựa chọn phương án 1 ngay từ khi Bộ công bố 3 phương án, ông Bùi Đức Cường - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho hay, phương án này phù hợp với thực trạng cách dạy và học hiện nay. Những đổi mới trong cách chọn môn, tổ chức thi, coi thi, chấm thi không gây nhiều xáo trộn, căng thẳng tâm lý cho giáo viên học sinh. Đặc biệt, cách ra đề thi như năm 2014 là rất thích hợp với định hướng đổi mới giáo dục hiện nay.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cũng tán thành việc chọn phương án 1 tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vì theo ông, phương án này tuy chưa đổi mới nhiều song thuận với số đông hơn.
Các phương án 2, 3 tuy có nhiều cải cách mạnh mẽ khi lựa chọn thi theo bài thi thay vì môn thi, song lại vấp phải những khó khăn do thực tế chưa sẵn sàng. Theo ông Tuấn, để có thể thi theo bài thi thì trước hết giáo viên giảng dạy phải được tập huấn để dạy học sinh theo cách tích hợp, liên môn. Đồng thời, trình độ của giáo viên ra đề chấm thi, coi thi cũng phải được nâng lên để có thể chấm các bài thi 3 trong 1 như các bài thi KHTN, KHXN…theo như phương án 2, 3 đề xuất.
Đặc biệt, với phương thức tổ chức thi theo cụm, sẽ khó khăn hơn với các cụm miền núi vì khoảng cách giữa các điểm trường rất xa nhau. 4 ngày thi liên tục đi về quãng đường xa như vậy sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng bài làm của các em. Nhưng nếu ở lại tạm trú để thi cử thì các điểm trường được chọn đại điện cho cụm thi sẽ phải gánh trách nhiệm bố trí chỗ ăn ngủ cho các em, đây không phải là việc đơn giản.
Ông Tuấn cho biết, để phục vụ ăn nghỉ, đi lại cho hàng nghìn học sinh, phụ huynh, giáo viên cùng tập trung một lúc tại 1 địa điểm dù chỉ vào buổi trưa thôi cũng là việc khó khăn ngay cả với các tỉnh đồng bằng như Nam Định. Làm thế nào để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhiều người như vậy đòi hỏi rất nhiều công sức, nỗ lực mà một mình ngành giáo dục không thể làm hết.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho hay, “Nam Định đã từng tổ chức thi tốt nghiệp theo cụm từ 10 năm trước nên cũng không có gì là bỡ ngỡ cả. Tôi tin rằng với hướng dẫn của Bộ, chúng tôi sẽ tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay”.
Cũng đồng quan điểm tán thành việc lựa chọn phương án 1 để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp quốc gia, GS Nguyễn Minh Thuyết nói rằng “đây là 1 lựa chọn đúng đắn”.
“Phương án này gần nhất với những phương án chúng ta đã thực hiện thời gian qua, điều này cho thấy có sự tiếp nối giữa các phương thức theo logic thuận. Ngay nội dung của 3 phương án cũng cho thấy đây là 3 bước thứ tự trong lộ trình đổi mới thi cử theo Nghị quyết 29/TƯ theo hướng đột phá. Đó là phương án 1 áp dụng trong năm nay, phương án 2 sau 2 năm nữa và khi chương trình, SGK đã xây dựng xong sẽ áp dụng tiếp phương án 3”.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng Bộ cần sớm cung cấp lộ trình áp dụng phương án kế tiếp sau khi lựa chọn phương án lần này để học sinh, sinh viên có thời gian chuẩn bị và thích nghi.
Về ý kiến lựa chọn phương án 1 được cho là giải pháp an toàn song chưa có tính đột phá để đổi mới việc dạy và học một cách rõ rệt, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng vẫn có một số nét mới trong phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT lần này, đó là đưa Ngoại ngữ vào môn thi bắt buộc, điều này cũng bắt các em phải học Ngoại ngữ.
Đồng thời, điều quan trọng quyết định đổi mới việc dạy và học là cách ra đề thi và cách chấm thi. Với cách ra đề thi mở và đáp án mở, đòi hỏi kỹ năng nắm và xử lý vấn đề như cách ra đề thi ĐH năm 2014 vừa qua thì kỳ thi tốt nghiệp cấp quốc gia này vẫn sẽ tác động đến cách dạy và học của thầy và trò.
Nguyệt Hà
Theo Chinhphu.vn