Cập nhật: 26/09/2014 08:55:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đã đạt được những sự đồng thuận ban đầu về một số vấn đề trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về khí hậu diễn ra vừa qua tại New York.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố về rừng nhằm duy trì và phát triển diện tích rừng, góp phần chống biến đổi khí hậu.

Theo đó, hơn 30 quốc gia, trong đó có Mỹ, Canada và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ký tuyên bố cam kết đến năm 2020 sẽ giảm 50% diện tích rừng bị mất trắng và đến năm 2030 chặn đứng hoàn toàn tình trạng sử dụng rừng vào các mục đích khác nhằm bảo vệ vốn rừng hiện có để có thể hấp thu phần lớn lượng khí thải CO2 đang gia tăng nhánh chóng do hoạt động của con người.

Cùng với Tuyên bố cam kết bảo vệ rừng, nhiều công ty chế biến thực phẩm trên thế giới đã cam kết ngừng sử dụng dầu cọ. Tại Hội nghị, 3 công ty sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới là Wilmar, Golden Agri-Resources và Cargill cam kết hợp tác nhằm ngăn chặn nạn chặt, phá rừng. Hội nghị cũng hối thúc Tổng thống Indonesia thực thi các chính sách bảo vệ rừng vì Indonesia hiện là nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới với sản lượng trên 26 triệu tấn trong năm 2012.

Điểm nhấn của Hội nghị là một số nước có lượng khí thải nhà kính cao tuyên bố chương trình hành động riêng để cắt giảm khí thải CO2.

Trước thềm Hội nghị, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã đưa ra báo cáo mang tên “Dự án Carbon toàn cầu”, theo đó cảnh báo lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2 trên Trái đất đang tăng nhanh tới mức trong vòng một thế hệ tới, lượng khí CO2 mà con người thải ra sẽ vượt quá phần “hạn ngạch” được coi là an toàn để thế giới có thể thực hiện mục tiêu kiềm chế nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tổ chức Dự án Carbon toàn cầu (có hai văn phòng chính ở Australia và Nhật) công bố báo cáo cho biết lượng khí thải CO 2 toàn cầu tăng lên mức kỷ lục hơn 36 tỉ tấn trong năm 2013. Ba nước dẫn đầu lần lượt là Trung Quốc (10 tỉ tấn), Mỹ (5,2 tỉ tấn) và Ấn Độ (2,4 tỉ tấn). Báo cáo dự báo khí thải CO2 toàn cầu sẽ tăng 2,5% trong năm 2014 lên mức hơn 40 tỉ tấn.

Báo cáo còn cho biết 3 nước có lượng khí thải CO2 tăng mạnh nhất là Ấn Độ với 5,1%, Trung Quốc 4,2% và Mỹ 2,9%, trong khi chỉ hơn 20 nước cắt giảm khí CO2 trong năm ngoái, đứng đầu là các nước EU, đặc biệt là Tây Ban Nha.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cùng với Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim và Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đứng tên đồng tác giả trong bài viết nhan đề "Các nhà lãnh đạo thế giới phải hành động ngay chống biến đổi khí hậu".

Bài viết được đăng trên Tạp chí Nikkei Assian Review (Nhật Bản) và trang Inquirer.net (Philippines) khẳng định khu vực Đông Á là tuyến đầu chịu tác động từ biến đổi khí hậu. Hàng trăm triệu người trong khu vực sống ở các thành phố và vùng ven có đất thấp đang đối mặt với rủi ro ngày càng cao do nước biển dâng, ngập lụt, xâm nhập mặn và khan hiếm nước; phải hứng chịu liên tiếp các sự kiện thời tiết khắc nghiệt như siêu bão và lũ lụt.

Các tác giả bài viết kêu gọi lãnh đạo khu vực phải hành động để giúp các cộng đồng dân cư kiên cường chống chọi với một tương lai thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Điều này bao gồm việc đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng, các mạng lưới an toàn xã hội và bảo hiểm vi mô cũng như các chương trình, dự án khác nhằm kết nối các cộng đồng với nhau. Các nhà lãnh đạo cho rằng tất các các biện pháp này không thể chậm trễ hơn vì chúng ta không còn thời gian.

Trong bài viết, có phần đề cập về Việt Nam nêu rõ: Là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ nước biển dâng, Việt Nam đang theo đuổi con đường tăng trưởng carbon thấp và nỗ lực tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và năng lượng tái tạo cũng như các lựa chọn giao thông công cộng ở thành phố.

Là một phần trong Chiến lược Tăng trưởng Xanh, Việt Nam đặt mục tiêu giảm cường độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020 và những năm tiếp theo. Cùng với các quốc gia chia sẻ lưu vực sông Mekong, Việt Nam đang quy tụ các nhà hoạch định chính sách và nhà khoa học cùng nhau tìm các giải pháp sáng tạo cho vấn đề nguồn nước và quản lý vùng duyên hải để bảo vệ các cộng đồng dân cư đang bị đe dọa ở lưu vực con sông này. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần sự hợp tác quốc tế nhiều hơn và ủng hộ các biện pháp đối phó hiệu quả với vấn đề biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thay mặt Chính phủ Việt Nam cũng đã tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao của Hội nghị.

Phó Thủ tướng kêu gọi các nước cam kết mạnh mẽ và nỗ lực nhiều hơn trong đàm phán nhằm đạt được một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới có tính ràng buộc về biến đổi khí hậu trong năm 2015, để thế giới có thể đạt được mục tiêu về nồng độ khí thải nhà kính trong khí quyển và nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2°C.

Nguyễn Chiến

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm