Cập nhật: 12/11/2014 09:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sự đổi mới ở cấp Tiểu học cần thực hiện nghiêm túc ở từng trường học, sự tận tụy của giáo viên và quan tâm của các phụ huynh đối với học sinh.

Nếu muốn ngăn chặn dạy thêm - học thêm hiệu quả thì chương trình ở cấp Tiểu học phải giảm tải (ảnh minh họa)

Còn chưa quen với việc sẽ định hướng học tập, rèn luyện cho con như thế nào khi các trường Tiểu học bỏ chấm điểm hàng ngày đối với học sinh thì nay nhận được thông tin giáo viên không được giao bài tập về nhà cho học sinh, nhiều phụ huynh đã tỏ ra băn khoăn với những thay đổi liên tục của ngành Giáo dục. Họ lo ngại, nếu không chấm điểm và không giao bài tập về nhà, học sinh sẽ không hiểu hết tất cả các kiến thức dẫn đến việc học tập không hiệu quả, không tiến bộ, không thể học tốt được ở các cấp học cao hơn.

Là người nhiều năm nghiên cứu tâm lý lứa tuổi học trò, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, những lo lắng trên là dễ hiểu vì từ lâu nay, phụ huynh đã quen với việc chấm điểm, nhận biết kết quả học tập của con em mình qua điểm số, nên khi giáo viên chỉ nhận xét, không cho điểm trong đánh giá thường xuyên làm cho họ băn khoăn không biết con em mình học hành thế nào, kết quả ra sao. Tuy nhiên, việc không chấm điểm sẽ đánh giá toàn diện quá trình học tập, rèn luyện của học sinh hơn. Phương pháp này buộc giáo viên phải hướng dẫn, đánh giá cụ thể từng học sinh, giúp các em có điều kiện nhận thức được ưu, nhược điểm để tự phấn đấu. Đặc biệt, đối với học sinh cấp 1, việc nhận xét thiên về khích lệ sẽ giảm áp lực, tạo hứng khởi cho học sinh trong học tập.

Phụ huynh hãy hướng cho con học tập, rèn luyện một cách toàn diện

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, việc không chấm điểm hàng ngày mà thay vào đó là đánh giá năng lực học tập, rèn luyện của học sinh bằng những lời nhận xét đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Cuối tuần, nhà trường chỉ giao một số bài tập, gồm những câu hỏi, tình huống giúp cho phụ huynh và học sinh có thể trao đổi với nhau một cách tự nhiên, khoa học. Những bài tập này không nhất thiết phải chấm điểm nhưng có điểm đặc biệt là như một trò chơi, vừa rèn luyện trí tuệ, năng khiếu của học sinh nhưng lại không hề nặng nề, phải ghi chép nhiều. Qua các bài tập “vừa học vừa chơi” này, các bậc cha mẹ có thể đánh giá năng lực, tư duy học tập của con mình.

Học sinh cấp Tiểu học là lứa tuổi rất cần được chú trọng và quan tâm tới định hình tính cách, kỹ năng sống. Đây là lứa tuổi vẫn còn mải chơi, thích khám phá những điều mới lạ trong cuộc sống nên việc học tập căng thẳng có thể không giáo dục được một cách toàn diện nhân cách và lối sống cho trẻ.

Thay vì lo lắng học sinh sẽ không hiểu hết tất cả các kiến thức dẫn đến việc học tập không hiệu quả, không tiến bộ, không thể học tốt được ở các cấp học cao hơn, phụ huynh hãy cùng với nhà trường theo dõi, giám sát nề nếp học tập cũng như phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, năng khiếu của con. Bởi vì nếu phụ huynh chỉ quan tâm đến việc học mà không chú ý đến sở thích, tâm lý của con thì coi như việc giáo dục không toàn diện.

Về phía nhà trường cần nâng cao ý thức trách nhiệm của giáo viên trong việc đánh giá công tâm, chính xác năng lực học tập, rèn luyện toàn diện của học sinh. Ngoài ra, nhà trường cần tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh hiểu rõ về cách thức đánh giá học sinh bằng nhận xét để có cách thức phối hợp với nhà trường trong việc quan tâm, giám sát việc học tập, phát triển nhân cách của con.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cũng lưu ý, với các trường ở thành phố, mỗi lớp học có tới 50 - 60 học sinh sẽ khó khăn cho giáo viên để thực hiện được cách đánh giá bằng nhận xét. Lượng học sinh đông, trong khi giáo viên phải giám sát tình hình học tập của các em, ngày nào cũng phải nhận xét sẽ dẫn tới khả năng giáo viên sẽ e ngại.

Hướng đổi mới đánh giá học sinh bằng nhận xét là rất tốt, nhưng đòi hỏi thầy cô giáo phải có nghiệp vụ, vượt khó khăn và có trách nhiệm với nghề nghiệp. Phụ huynh phải quan tâm tới con, có sự gắn kết, phối hợp cùng nhà trường, thầy cô giáo để con học tập, rèn luyện một cách toàn diện. Thực hiện được như vậy, sự đổi mới ở cấp Tiểu học sẽ có chuyển biến và đạt hiệu quả. Còn nếu chỉ thực hiện theo hình thức, phong trào thì sự đổi mới đó không có tác dụng mà ngược lại sẽ làm chất lượng giáo dục đi xuống.

 

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội

Các địa phương cần thực hiện nghiêm không khảo sát đầu cấp học

Sau khi ban hành Thông tư số 30/2014/TT- BGDĐT với yêu cầu không chấm điểm hàng ngày đối với học sinh, Bộ GD-ĐT lại tiếp tục ban hành Chỉ thị 5105 về chấn chỉnh dạy thêm- học thêm ở bậc Tiểu học, trong đó có quy định không ra bài tập về nhà đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày. Đây là việc làm đúng đắn nhằm giảm áp lực, căng thẳng trong việc học tập cho học sinh Tiểu học.

Thực tế trong thời gian qua, ở một số trường vẫn tổ chức thi tuyển học sinh đầu cấp THCS nên phụ huynh có con học cấp Tiểu học vẫn phải chạy đua với việc cho con đi học thêm để đỗ vào đó. Như vậy, việc học tập của học sinh càng trở nên nặng nề, thậm chí gây thêm áp lực cho các em.

Theo chỉ đạo từ phía Bộ GD-ĐT, đối với học sinh lớp 5, trong quá trình ra đề kiểm tra, tổ chức kiểm tra và chấm bài ở đợt kiểm tra định kì cuối năm có mời giáo viên trường THCS cùng tham gia và nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh nhằm đảm bảo tính khách quan của kết quả đánh giá chất lượng học sinh cuối cấp học. Điều này cũng giúp giáo viên dạy lớp 6 có đủ thông tin cần thiết về quá trình và kết quả học tập, mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh để có kế hoạch, biện pháp giáo dục hiệu quả. Đây chính là việc bàn giao chất lượng học sinh giữa trường Tiểu học với trường THCS (học sinh lớp 5 lên lớp 6) do phòng Giáo dục tổ chức hàng năm.

Chính vì những lý do trên nên không cần thiết phải tổ chức khảo sát đầu năm, không tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nêu ý kiến, các địa phương thực hiện nghiêm túc việc bỏ thi học sinh giỏi Tiểu học, xóa lớp chọn ở Tiểu học và THCS, không tổ chức khảo sát đầu năm học, không tổ chức thi tuyển sinh học sinh vào lớp 6.

Để giảm áp lực thi tuyển đầu cấp học, phụ huynh cần phải nhận thức rõ năng lực học tập của con mình đến đâu. Không nhất thiết vì “chạy” đua theo phong trào mà ép con học hành nặng nề để thi vào những trường có danh hiệu, tên tuổi. Ngoài ra, phụ huynh cần phải cương quyết với việc học thêm-dạy thêm tràn lan, biến tướng dưới nhiều hình thức./.

 

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm