Cập nhật: 20/11/2014 09:36:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Muốn có được những học trò thành công trong sự nghiệp và cuộc sống, người thầy giáo không thể coi nhẹ rèn luyện nhân cách học trò.

Tri ân thầy cô giáo nhân ngày 20/11

Hãy là người thầy tốt trước khi trở thành người thầy giỏi. Một nhà giáo có trách nhiệm và giảng dạy một cách khoa học là phải biết bồi dưỡng, phát triển toàn diện nhân cách học trò theo phương châm “dạy làm người trước khi dạy chữ”.

Đó là kinh nghiệm của cô giáo Đỗ Thị Lan, Tổ trưởng tổ chuyên môn Sinh học, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội đúc rút trong suốt 23 năm đứng trên bục giảng.

Năm 1992, tốt nghiệp loại Giỏi khoa Sinh, Đại học Sư phạm I Hà Nội, cô giáo Đỗ Thị Lan được phân công về giảng dạy tại trường chuyên cấp II Thạch Thất, nay là trường THCS Thạch Thất. Thời gian 5 năm giảng dạy tại ngôi trường có nhiều học sinh thông minh, ham học hỏi và cá tính đã thổi bùng ngọn lửa đam mê với nghề dạy học trong cô.

Đến năm 1997, UBND tỉnh Hà Tây thành lập trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, cô giáo Đỗ Thị Lan được phân công về giảng dạy tại trường. Kể từ đó, cuộc đời cô gắn liền với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi tham dự các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Cô giáo Đỗ Thị Lan cho biết, học sinh lớp chuyên Sinh học do cô làm chủ nhiệm có nhiều em ở xa nhà nên phải sống trong khu nội trú của trường hoặc thuê nhà trọ. Bởi vậy, cô giáo không chỉ truyền đạt về tri thức, rèn rũa, uốn nắn thói quen trong sinh hoạt hàng ngày mà còn chăm lo cho các em những lúc ốm đau, cũng như là người tri kỉ sẻ chia những tâm tư tuổi mới lớn để tạo dựng và bồi đắp nhân cách cho các trò.

Kỷ niệm khiến cô Đỗ Thị Lan nhớ nhất trong quãng đời dạy học là một lần khoảng 22h đêm, có học trò vào gọi: cô ơi bạn Oanh bị làm sao ấy, chúng em sợ lắm! Nghe vậy, cô Lan vội vàng đạp xe ra khu nhà trọ thì thấy em Oanh sốt cao, nói mê sảng nhiều, cặp nhiệt độ thì lên tới 40 độ C. Sau đó, cô cho uống thuốc hạ sốt, lau người cho học sinh bằng nước ấm thấy đỡ nên cô quyết định không đưa vào viện. Không liên lạc được với phụ huynh vì lúc đó điện thoại rất hiếm nên cô ngủ lại cùng các em học sinh. Sau lần đó, cô thường dành 15 phút trong mỗi giờ sinh hoạt hàng tuần để học sinh thảo luận về những tình huống bất thường có thể gặp trong cuộc sống xa nhà và cách xử trí nhanh nhất.

“Gieo” vào lòng học trò niềm đam mê môn học

Nhiều năm liền giảng dạy, bồi dưỡng cho học sinh dự thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, cô Đỗ Thị Lan cho rằng, điều quan trọng nhất là người giáo viên phải “gieo” được vào lòng học trò niềm đam mê môn học, hun đúc ý chí quyết tâm không lùi bước trước bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. Từ đó, các em có thể tạo lập được khả năng tự học, tự tìm tòi bởi kiến thức là vô tận, không giới hạn. Người thầy tốt là người càng lúc càng trở nên không cần thiết cho học trò của mình mà để các em tự tìm tòi, khám phá những tri thức của nhân loại.

Với những nỗ lực không ngừng trong giảng dạy, cô giáo Đỗ Thị Lan đã đào tạo được nhiều học sinh giỏi đạt giải cấp thành phố, quốc gia, khu vực và quốc tế; các giải thưởng trong cuộc thi nghiên cứu khoa học các cấp. Và hơn hết là biết bao thế hệ học trò, bao con người có ích cho xã hội đã trưởng thành từ chính sự giảng dạy, dìu dắt của cô Đỗ Thị Lan và các đồng nghiệp khác ở mái trường THPT chuyên Nguyễn Huệ.

Không chỉ là giáo viên giỏi, cô Lan còn là một tổ trưởng năng động, luôn tận tình chỉ bảo về chuyên môn nghiệp vụ, chia sẻ tâm tư tình cảm với các đồng nghiệp trẻ. Tổ chuyên môn của cô là một tập thể đoàn kết, nhất trí tương trợ lẫn nhau nên liên tục trong 3 năm liền được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc.

Năm học 2014 – 2015 cô giáo Đỗ Thị Lan được tặng thưởng danh hiệu cao quý - Nhà giáo ưu tú. Mặc dù đã có nhiều đóng góp cho việc đào tạo đội ngũ học sinh giỏi và có nhiều ý tưởng sáng tạo trong giảng dạy nhưng cô giáo Đỗ Thị Lan vẫn chỉ nhận những đóng góp của mình là rất nhỏ nhoi như bao thầy cô giáo khác trên khắp mọi miền đất nước đang ngày đêm âm thầm “gieo” những ước mơ cho đời, tận tụy với sự nghiệp “trồng người” cao quý.

Vinh dự qua đi, còn trách nhiệm ở lại, ít ai có thể hiểu hết nỗi vất vả, nhọc nhằn của công tác đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi cho những kỳ thi nối tiếp kỳ thi. Trách nhiệm nặng nề, áp lực công việc lớn luôn yêu cầu người “chèo lái” phải không ngừng nâng cao trình độ, bản lĩnh để đón nhận thành công cũng như đối mặt với những thất bại.

Cùng với những bộn bề lo toan của cuộc sống đời thường, đã có lúc cô giáo Đỗ Thị Lan muốn chuyển sang giảng dạy lớp phổ thông để có nhiều thời gian chăm lo hơn cho gia đình. Song đứng trước những học trò đến từ một vùng quê lam lũ, luôn khát khao khám phá tri thức mới, vươn tới những thành công, từ sâu thẳm trái tim cô lại tự nhủ rằng, không thể dừng bước, nhất định phải giúp các em biến ước mơ thành hiện thực.

Trong những ngày này, dù nhận được hàng trăm lời tri ân của các thế hệ học trò từ khắp mọi miền đất nước, nhưng từ sâu thẳm đáy lòng mình, cô giáo Đỗ Thị Lan muốn nói với các học trò rằng: Cảm ơn các em, bởi chính các em đã mang đến ý nghĩa cho cuộc sống của cô cũng như biết bao nhà giáo đang miệt mài, thầm lặng vì sự nghiệp “trồng người./.

 

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm