Cập nhật: 19/12/2014 09:32:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức thông báo dự thảo Quy chế tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.

Thí sinh làm bài thi cao đẳng năm 2014. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Đây được xem là một bước cụ thể hóa và triển khai giải pháp đột phá khi thực hiện Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nhân dịp này phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục về những thay đổi mới trong kỳ thi Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học sẽ áp dụng từ năm 2015.

Thí sinh đăng ký tuyển sinh vào đại học không được miễn thi ngoại ngữ

- Xin Ông cho biết những điểm thay đổi chính của dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 so với trước đây?

Cục trưởng Mai Văn Trinh: Ngày 9/9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 3538 về tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông, đồng thời cung cấp dữ liệu để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng trong tuyển sinh.

Trong suốt thời gian qua, dưới sự hỗ trợ của các cơ sở giáo dục đại học, các trường phổ thông, các chuyên gia và các nhà giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng được dự thảo Quy chế của kỳ thi này. Trong quy chế này có một số điểm mới, trọng tâm tôi muốn nhấn mạnh để học sinh, phụ huynh và nhà trường hiểu và triển khai thực hiện có hiệu quả.

Về môn thi, trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia có 8 môn thi là: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh vật, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ. Để thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, mỗi thí sinh phải thi 4 môn tối thiểu, gồm 3 môn bắt buộc là: Toán học, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn còn lại thí sinh được lựa chọn trong số 8 môn trên.

Để xét tuyển sinh đại học và cao đẳng, ngoài các môn thi trên, thí sinh sẽ đăng ký các môn thi phù hợp với quy định của các khối thi thuộc các ngành đào tạo do các trường đại học quy định. Đối với các thí sinh tự do, đã có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông từ các năm trước thì chỉ lựa chọn thi những môn thi phù hợp với khối thi quy định của chuyên ngành đào tạo tại các trường đại học.

Một điểm mới so với trước là với môn Ngoại ngữ, để khuyến khích việc dạy và học ngoại ngữ, những thí sinh có chứng chỉ quốc tế đã được quy định bằng công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được miễn thi. Nhưng cần lưu ý, việc miễn thi môn Ngoại ngữ chỉ được dùng để xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông còn thí sinh muốn lấy kết quả môn Ngoại ngữ để xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng sử dụng kết quả của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia để tuyển sinh thì các em phải dự thi môn Ngoại ngữ của kỳ thi này.

Để xét tốt nghiệp Trung học phổ thông sẽ lấy kết quả học tập của học sinh năm lớp 12 và điểm các môn thi. Do đó, với các thí sinh đã có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được miễn môn thi Ngoại ngữ, sẽ quy đổi thành điểm tốt nghiệp cho các em và đang dự kiến, các thí sinh này sẽ được nhận điểm tối đa môn Ngoại ngữ khi xét tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Chỉ có các cụm thi do các trường đại học chủ trì

- Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng dự kiến sẽ có 2 loại cụm thi được tổ chức tại các địa phương do các tỉnh chủ trì và do các trường đại học chủ trì. Vậy đến nay, có sự thay đổi nào về quy định tổ chức các cụm thi hay không, thưa ông?

Cục trưởng Mai Văn Trinh: Về cơ bản, không có sự thay đổi lớn, tư tưởng của chúng ta vẫn là tổ chức các cụm thi do các trường đại học chủ trì. Nhưng trong quá trình tham khảo ý kiến của các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học, cao đẳng, các thí sinh thì thấy rằng, để đảm bảo độ tin cậy, độ công bằng của kỳ thi thì các cụm thi tại tỉnh dành cho những học sinh thi lấy kết quả xét tốt nghiệp trung học phổ thông cũng do các trường đại học chủ trì như các cụm thi liên tỉnh.

Về tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia kế thừa những ưu điểm mà chúng ta đã tổ chức kỳ thi đại học, cao đẳng theo hình thức ba chung trước đây. Cụ thể là, trước đây chúng ta đã tổ chức cụm thi liên tỉnh ở Quy Nhơn, Cần Thơ, thành phố Vinh và từ năm 2012, chúng ta tiếp tục tổ chức cụm thi ở Hải Phòng. Việc tổ chức các cụm thi như vậỵ đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và được dư luận đánh giá cao. Trên cơ sở đó, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia sẽ tổ chức thành các cụm thi.

Mỗi cụm thi như vậy sẽ tổ chức thi cho các thí sinh ít nhất ở 2 tỉnh và giao cho các trường đại học chủ trì trong các khâu, đặc biệt là khâu coi thi, chấm thi.

Với các tỉnh có khó khăn, nếu Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét cụm thi tại tỉnh dành cho những thí sinh dự thi kỳ thi này chỉ để xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông. Những cụm thi này cũng do các trường đại học chủ trì. Một điểm cần được nhấn mạnh là, kể cả các cụm thi liên tỉnh và các cụm thi tỉnh đều được tổ chức trong khuôn khổ của Quy chế, cùng một quy trình kỹ thuật, đều do các trường đại học chủ trì, nhằm đảm bảo sự công bằng, khách quan, độ tin cậy của kết quả thi; đồng nghĩa với việc đảm bảo quyền lợi của các thí sinh.

- Vậy cả nước sẽ có bao nhiêu cụm thi và các trường đại học nào sẽ được giao chủ trì các cụm thi này?

Cục trưởng Mai Văn Trinh: Việc xác lập các cụm thi nhằm bảo đảm quyền lợi cho thí sinh. Cụ thể là, trước đây, nếu các thí sinh dự thi đại học, cao đẳng phải di chuyển khá xa để đến cụm thi liên tỉnh hoặc đến các trường đại học, cao đẳng dự thi thì bây giờ, với việc mở rộng các cụm thi các em sẽ thuận lợi hơn.

Chúng tôi dựa trên một số yếu tố sau: thứ nhất là nguồn lực của trường đại học, kinh nghiệm của trường đại học có đủ điều kiện đảm bảo tổ chức thi hay không; thứ hai là sức tải của địa phương có đủ tải lượng thí sinh và phụ huynh trong các ngày các em thi hay không.

Trên cơ sở như vậy, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành đi khảo sát thực tế, làm việc với các cơ sở giáo dục đại học dự kiến tham gia tổ chức kỳ thi, làm việc với các sở giáo dục và đào tạo, các địa phương để hoạch định các cụm thi sao cho thuận lợi nhất cho thí sinh nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn tuyệt đối của kỳ thi này, hướng tới thành công của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đầu tiên. Chúng tôi sẽ sớm công bố việc hình thành các cụm thi để các thí sinh và xã hội biết.

Tất cả các trường đại học đều sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh

- Trước đây có ý kiến băn khoăn không biết các trường đại học sẽ đón nhận kết quả của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia như thế nào. Ông có thể cho biết sau quá trình chuẩn bị, đến nay các trường đại học có đồng tình và tin cậy sử dụng kết quả kỳ thi này hay không ?

Cục trưởng Mai Văn Trinh: Luật Giáo dục đại học đã chỉ rõ các trường đại học có quyền tự chủ trong tuyển sinh, có thể bằng hình thức thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Cho đến nay, sau khi phương án tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia được công bố, tất cả các trường đại học, cao đẳng đều đã gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo phương án tuyển sinh năm 2015.

Trong khi đó, chỉ riêng Đại học Quốc gia Hà Nội thí điểm hình thức tuyển sinh theo hình thức bài thi đánh giá năng lực, còn tất cả các trường đại học, cao đẳng còn lại đều sử dụng kết quả của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia để tuyển sinh. Trong đó, phần lớn các trường dựa hẳn vào kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh.

Một điểm mới là sau khi có kết quả thi các em mới đăng ký tuyển sinh vào trường. Điều đó bảo đảm các em có điểm thi cao sẽ được vào đại học, khắc phục được tình trạng có những em điểm cao nhưng vẫn trượt đại học như những năm trước đây vì đăng ký trước khi có kết quả thi.

Một tác động xã hội rất lớn chúng ta dễ dàng nhận thấy là với hình thức tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia như hiện nay sẽ giảm tốn kém cho xã hội. Đối với thí sinh, trước đây các em phải dự thi ít nhất 2 lần: một kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và một kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng tại 4 cụm thi và các trường đại học, cao đẳng khác. Do đó, các em phải di chuyển rất nhiều. Năm nay, các em chỉ phải dự thi một lần.

Trước đây thông thường thí sinh sẽ dự thi ít nhất 4 bài tốt nghiệp và 3 bài cho kỳ thi đại học, cao đẳng là 7 bài. Nếu em nào thi 2 lần đại học sẽ phải làm 10 bài và thi cả đại học sẽ làm 13 bài. Nhưng năm nay, để tốt nghiệp Trung học phổ thông, các em sẽ thi 4 bài, phổ biến các em sẽ thi 5 hoặc 6 bài và cá biệt có em thi 8 bài.

Như vậy, số bài thi các em phải làm sẽ ít hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Phân tích như vậy để thấy rằng, học sinh sẽ giảm áp lực, chi phí xã hội và chi phí của gia đình các em sẽ giảm khá nhiều.

- Ông có lời khuyên gì với các thí sinh, nhất là các thí sinh muốn thi để tăng cơ hội vào các trường đại học phù hợp năng lực, điều kiện ?

Cục trưởng Mai Văn Trinh: Một điểm mới là năm nay nhiều trường đại học công bố các tổ hợp môn thi mới. Vì thế các em cần theo dõi chặt chẽ đề án tuyển sinh riêng của từng trường đại học, cao đẳng để đăng ký thi các môn mà trường đó yêu cầu.

Cùng với sự phát triển đa dạng của các ngành đào tạo, yêu cầu tuyển sinh của các trường đại học cũng có sự thay đổi. Do đó, các khối thi truyền thống như hiện nay vẫn một mặt đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh nhưng để đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong các trường đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường đại học xây dựng các tổ hợp môn thi mới để tuyển sinh.

Việc xây dựng các tổ hợp này phải đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Vì vậy, Quy chế dự kiến quy định là các cơ sở giáo dục đại học phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu tuyển sinh để tuyển cho các khối truyền thống, còn 25% chỉ tiêu dành cho các tổ hợp môn thi mới, các khối thi mới. Việc thay đổi các khối thi truyền thống, thay đổi các tổ hợp môn thi phải báo trước cho thí sinh ít nhất 3 năm để học sinh biết và thực hiện./.

 

HOÀNG HOA-VIỆT HÀ (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/quy-che-thi-moi-se-giam-ap-luc-tang-thuan-loi-cho-thi-sinh/297445.vnp

Tệp đính kèm