Cập nhật: 20/12/2014 10:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2015 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi với hai mục đích tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH-CĐ. Bộ GD&ĐT đã quy định rất chi tiết, cụ thể để những đổi mới cách tổ chức thi không ảnh hưởng tới việc vào đại học, đỗ tốt nghiệp của thí sinh.

Thí sinh sẽ thi tại các cụm thi địa phương thay vì tập trung ở HN để thi ĐH-CĐ như mọi năm. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Sử dụng thang điểm 20 và chấm sát tới 0,25 điểm

Một trong những quy định mới được chú ý nhất trong quy chế tuyển sinh kỳ thi TH quốc gia lần này là sẽ sử dụng thang điểm 20 trong việc chấm thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Lý giải cho việc chuyển từ thang điểm 10 sang thang điểm 20, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục khẳng định thang điểm càng chi tiết thì các trường càng dễ lựa chọn mức điểm chuẩn đầu vào cho mình, đặc biệt là các trường top giữa.Với thang điểm 20, một số quy định về điểm liệt, điểm ưu tiên sẽ được điểu chỉnh. Cụ thể, điểm liệt sẽ là 2,0 (thay cho 1,0 trước đây) và số điểm nhiều nhất một thí sinh được ưu tiên sẽ là 8,0 (thay cho 4,0 trước đây). Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, mức điểm tối thiểu trong barem điểm của một số môn học vẫn có thể chi tiết đến 0,25, đảm bảo chính xác và quyền lợi của thí sinh chấm thi vẫn có thể chi tiết đến 0,25 điểm tùy mỗi môn thi. Ví dụ môn Ngữ văn sẽ khó có thể chi tiết đến 0,25 điểm mà cần linh hoạt hơn để chấm thi những câu hỏi mở”.

Trước những băn khoăn về số điểm ưu tiên quá nhiều (8,0) có thể khiến chất lượng tuyển sinh ĐH-CĐ giảm sút, ông Trinh khẳng định việc “nâng điểm ưu tiên” này về bản chất không thay đổi. Vì kết quả kỳ thi THPT quốc gia sẽ có chung hệ quy chiếu trên thang điểm 20. Nói thêm về điều này, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học giải thích cách thức tính điểm xét tốt nghiệp sẽ được điều chỉnh. Cụ thể, kết quả 4 môn thi (để xét tốt nghiệp THPT) sẽ được cộng vào chia cho 8 để lấy điểm trung bình (chứ không phải chia 4 như trước đây).Quy định miễn thi ngoại ngữ cho những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chỉ áp dụng đối với việc xét tốt nghiệp THPT. Thí sinh muốn xét tuyển ĐH-CĐ với môn ngoại ngữ vẫn phải dự thi bình thường.Với những thí sinh được miễn thi ngoại ngữ, việc xét tốt nghiệp THPT vẫn căn cứ vào tổng điểm bốn môn thi, chứ không phải ba môn như một số ý kiến đề nghị. Môn ngoại ngữ sẽ được quy ra điểm để phục vụ việc xét tuyển.

Cả nước sẽ có 34-35 cụm thi liên tỉnh

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, dự kiến năm 2015 cả nước sẽ có 34-35 cụm thi liên tỉnh. Thí sinh sẽ phải đăng ký dự thi tại cụm thi theo hoạch định từ trước, không được từ phạm vi cụm này lại đăng ký thi ở cụm khác để tránh không phá vỡ quy mô tổ chức cụm thi, gây khó khăn cho các trường ĐH chủ trì.Bộ GD&ĐT cũng đã quyết định chỉ tổ chức một mô hình tổ chức kỳ thi quốc gia năm nay, đó là tất cả cụm thi sẽ đều do ĐH chủ trì. Tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên ĐH-CĐ và giáo viên THPT. Các cụm thi liên tỉnh này sẽ có nhiệm vụ tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất hai tỉnh.

Riêng đối với những tỉnh có khó khăn, nếu UBND tỉnh đề nghị, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, ở cả cụm thi tỉnh thì cách thức tổ chức cũng giống như cụm thi liên tỉnh.

Mỗi thí sinh có 16 cơ hội trúng tuyển

Năm 2015 mỗi học sinh sẽ được cấp 4 giấy báo điểm, mỗi đợt xét tuyển các em có tối đa 4 nguyện vọng vào các khoa khác nhau của một trường đại học.Theo đó, mỗi thí sinh sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và có dấu đỏ của trường ĐH chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt (mỗi đợt trong thời gian 20 ngày). Mỗi đợt xét tuyển, các em chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng, xét tuyển tối đa vào 4 ngành trong cùng một trường ĐH-CĐ. Như vậy, mỗi thí sinh có 16 cơ hội xét tuyển vào ĐH-CĐ. Bộ ban hành quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng một thí sinh có thể nộp hồ sơ vào hàng chục trường, qua đó hạn chế tối đa số lượng hồ sơ ảo.

Trong thời gian quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) để nộp vào trường khác. Lệ phí ĐKXT đối với thí sinh rút hồ sơ do hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định.

 

Theo Nguyệt Hà/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm