Con đường mòn dẫn vào điểm trường thôn Trà Reo, Trà Na (xã Trà Phong, huyện miền núi Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) hun hút giữa bốn bề núi rừng. Những ngày đầu năm mới 2015, chúng tôi đặt chân đến đây cũng là thời điểm các thôn Trà Reo, Trà Na vừa mới có điện thắp sáng.
Nhiều đứa trẻ ở Trà Reo, Trà Na đã được học trong điều kiện đủ ánh sáng khi điện
lưới quốc gia đã về tới thôn bản. Ảnh: VGP/Thế Phong
Điện về thắp sáng nhà dân, trường học và cả ước mơ cho con em đồng bào dân tộc và ý nguyện của những người giáo viên nơi vùng miền núi xa xôi này.
Điện về đến tận bản
Trà Reo, Trà Na là những thôn vùng sâu của xã Trà Phong, phần đông là đồng bào Cor, Hre, Ca Dong sinh sống.
Hiện tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương này còn khá lớn, chiếm tới hơn 90%, ước mơ thoát nghèo của bà con dân bản luôn cháy bỏng. Nguyên nhân cơ bản là trình độ dân trí bà con còn thấp, bên cạnh đó hệ thống cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, thu nhập kinh tế gia đình phụ thuộc vào tự nhiên.
Thấu hiểu được nhu cầu bức thiết này, chính quyền địa phương cùng ngành điện đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình lưới điện về với bà con dân bản trước dịp Tết Nguyên đán 2015. Ông Trương Ngọc Đông, Chủ tịch UBND xã Trà Phong không giấu được niềm vui: “Đây là cái Tết đầu tiên đồng bào các thôn Trà Reo, Trà Na được sử dụng điện lưới quốc gia. Điện về tận bản làng, cuộc sống bà con được cải thiện đáng kể, nhất là được tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng, còn con em dân bản có điện sáng học bài”.
Ngày điện về bản, ai ai cũng vui như mở hội, bởi khát khao, mơ ước từ bao đời nay đã thành hiện thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tuy cái nghèo vẫn còn, nhưng khi có điện, nhiều nhà đã cố gắng sắm đài, ti vi; mua quạt điện, nồi cơm điện, máy móc phục vụ sản xuất, sinh hoạt hằng ngày. Người dân vùng cao nay không còn phải thổi lửa. Đêm về, con em dân bản không còn phải học bài dưới ánh đèn dầu tù mù.
Thắp sáng niềm tin ngày mới
Điện về bản, thầy cô giáo cắm bản nơi đây không còn chịu cảnh thắp đèn dầu soạn giáo án. Ngày chúng tôi đến bản, trong căn nhà tạm dành cho giáo viên, thầy giáo Phạm Văn Bây, có hơn 6 năm cắm bản dạy học, đang soạn giáo án bằng chiếc máy tính xách tay mới mua.
Tâm trạng của thầy cũng như bao người giáo viên cắm bản nơi đây cũng ngập tràn niềm vui khi điện lưới quốc gia được kéo về bản. Thầy kể, ngày chân ướt chân ráo vào đây, khi trường mới thành lập, giáo viên thì sống trong những căn nhà tạm bợ bằng tranh tre, nứa lá, còn học sinh học trong cảnh phòng ốc dựng tạm, thiếu thốn đủ bề... nhưng khó khăn hơn cả là vẫn chưa có điện thắp sáng. Cuộc sống giữa rừng núi càng cách xa, biệt lập với thế giới bên ngoài, hoạt động giảng dạy vì thế càng gian khó hơn.
Hơn ai hết, cô giáo Nguyễn Thị Thu Đông có hơn 18 năm dạy học ở các điểm trường lẻ huyện Tây Trà mới thấu hiểu được niềm vui, hạnh phúc khi trường lớp có nguồn điện thắp sáng.
Cô tâm sự, đối với người giáo viên cắm bản không ngại vất vả đường sá đi lại khó khăn, ở giữa rừng sâu, núi thẳm, lo lắng nhất là không có điện, nước sinh hoạt và phục vụ hoạt động giảng dạy, chăm sóc học sinh. Hầu hết các giáo viên trong trường đều mong muốn rằng, khi lưới điện đã về bản thì hệ thống đường sá, công trình nước sinh hoạt, cùng với cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học nơi đây sẽ được đầu tư hoàn thiện để tổ chức bán trú cho học sinh.
Thầy Vũ Tiến Lâm, Hiệu trưởng Trường TH&THCS số 2 Trà Phong cho biết: Hiện nay học sinh các thôn Trà Reo, Trà Na đang phải học trong các phòng tạm bợ, đội ngũ giáo viên cắm bản cũng đang ở nhà tạm. Điều này thực sự là một vấn đề trăn trở nhất của nhà trường cũng như lãnh đạo ngành GD&ĐT huyện Tây Trà trong nhưng năm qua đến nay vẫn chưa giải quyết được. Điện về với thôn bản là một nỗ lực lớn của chính quyền địa phương nhưng mong sao vùng núi nghèo khó này sớm nhận được sự quan tâm đầu tư xây dựng thêm hệ thống trường lớp và nhà công vụ, giúp giáo viên, học sinh yên tâm dạy học.
Tết này, có thêm những mái nhà của đồng bào dân tộc Cor, Hre, Ca Dong sáng bừng trong ánh điện lung linh, chúng tôi càng hiểu hơn sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền. Dẫu cuộc sống người dân cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên đang công tác nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn… nhưng niềm vui khi điện lưới về với bản như càng thắp thêm niềm tin về một cuộc sống sung túc cho đồng bào dân tộc thiểu số và động lực cho đội ngũ giáo viên thực hiện đổi mới công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục miền núi.
Thế Phong
Theo Chinhphu.vn