Cập nhật: 24/03/2015 09:14:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiều giáo viên vùng cao Sơn La mong mỏi có nơi ăn chốn ở ổn định để yên tâm công tác.

Những ngôi nhà tạm được dựng lên để các thầy cô giáo ở tạm

Tại địa bàn vùng cao, vùng sâu vùng xa của tỉnh Sơn La, nhiều thầy cô giáo vẫn đang bền bỉ bám trụ, gắn bó với nghề, cho dù điều kiện sống vô cùng khó khăn thiếu thốn, chỗ ăn, chỗ nghỉ tạm bợ, đặc biệt là nhà ở công vụ cho giáo viên.

Căn phòng nhỏ hơn 6 m2 của anh Lê Thế Lực, giáo viên trường THCS xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai là mái ấm của vợ chồng anh chị trong 3 năm qua. Gắn bó với trường học vùng cao Mường Sại hơn 10 năm, cũng là chừng ấy thời gian anh chị bám bản, bám trường, bám lớp bằng cách ở nhờ, ở trọ tại nhà dân trong bản. Thấy anh chị có cháu nhỏ, một người dân nơi đây đã thông cảm, cho mượn lại cái chái bếp không dùng đến để anh chị có chỗ ở.

Chịu khó, chịu khổ đã quen, song điều khiến anh Lực trăn trở là cô con gái nhỏ đã đến tuổi đi học mẫu giáo, mà hàng ngày, cứ khi nào đến giờ lên lớp, anh chị lại gửi tạm cháu cho bà con nào đó trông giúp.

Anh Lê Thế Lực chia sẻ: “Trong thâm tâm, hai vợ chồng tôi muốn có 1 người giảng dạy ở ngoài cho con cái đỡ vất vả. Còn ở đây, đối với bố mẹ không suy nghĩ gì, nhưng nghĩ về con cái, khi về thành phố, thị trấn thì so sánh cũng không nên so sánh nhiều quá, nhưng bạn bè tôi đàng hoàng hơn nhiều. Trong lòng tôi suy nghĩ rất nhiều, cũng muốn là được 1 người về, nhưng điều kiện kinh tế và điều kiện khác chưa về được”.

Anh Lê Thế Lực cũng như 23.000 cán bộ giáo viên đang công tác ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn chiếm 1/3 lực lượng toàn ngành giáo dục của tỉnh Sơn La. Số giáo viên cắm bản, bám trường, bám lớp hiện chưa có nhà ở ổn định cũng lên tới hàng nghìn người.

Về vấn đề này, ông Trương Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Sơn La cho rằng: “Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà ở công vụ cho giáo viên mà Chính phủ ban hành, trong giai đoạn 2008 - 2012 mới chỉ đáp ứng được 50 đến 60% nhu cầu thực tế. Chúng tôi cũng hy vọng là đề án tiếp tục triển khai đến năm 2020, sẽ đáp ứng được cái nhu cầu của ngành Giáo dục đào tạo Sơn La về nhà công vụ cho giáo viên cũng như kiên cố hóa trường lớp”.

Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy, Ủy ban, HĐND tỉnh Sơn La đã có phương án, triển khai kế hoạch hỗ trợ các thầy cô giáo vùng cao của tỉnh ổn định về chỗ ăn, chỗ ở, yên tâm công tác. Bởi những ngôi nhà công vụ là cấp thiết, như nguồn động viên đối với đội ngũ cán bộ giáo viên, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ông Bùi Minh Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La cho biết: “Đối với Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bàn bạc các nội dung này và sẽ làm theo các hướng mới. Đó là không nhất thiết phải làm nhà cao tầng. Cùng với số tiền như vậy, chúng ta làm nhà theo các khung nhà tự chế. Trong chương trình làm việc với Bộ Giáo dục - Đào tạo, tỉnh mong muốn Bộ đồng thuận với cách xây nhà 2 tầng ở  trên vùng khó khăn, thì có thể làm được 4 cái nhà bằng khung tự chế. Chất lượng thì cũng gần giống nhau, không có gì khác cả. Chúng tôi nghĩ rằng, để các thầy cô giáo yên tâm, ngoài các chủ trương đúng đó là nhà công vụ thì chúng ta phải có cách làm mới hơn, thiết thực hơn để các thầy cô giáo yên tâm với nghề dạy học của mình”.      

Ngày qua ngày, những thầy cô giáo vùng cao Sơn La vẫn lên lớp dạy các em nhỏ từng con chữ. Lòng yêu nghề, mến trẻ là động lực để họ tạm quên đi những khó khăn vất vả. Thế nhưng, niềm mong mỏi có nơi ăn chốn ở ổn định, giúp họ yên tâm công tác vẫn là nỗi niềm của nhiều giáo viên vùng cao Sơn La./.

Theo Việt Anh/VOV.VN

Tệp đính kèm