Ảnh: Thanh Yên
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với mục tiêu xây dựng ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa phổ thông mới góp phần chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục và phát triển con người Việt Nam toàn diện về Đức, Trí, Thể, Mỹ, hướng tới “công dân toàn cầu”. Kinh phí và nguồn vốn thực hiện Đề án do Nhà nước cấp là 778,8 tỷ đồng.
Theo Đề án được phê duyệt, chương trình (CT) mới, sách giáo khoa (SGK) mới được xây dựng theo hướng coi trọng dạy người với dạy chữ, rèn luyện, phát triển cả về phẩm chất và năng lực; chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, nhân cách, lối sống; phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và định hướng nghề nghiệp cho mỗi học sinh; tăng cường năng lực ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng sống, làm việc trong điều kiện hội nhập quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng, phát huy thành quả khoa học công nghệ thế giới, nhất là công nghệ giáo dục và công nghệ thông tin.
CT mới, SGK mới lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, khả năng tự học của học sinh; tăng cường tính tương tác trong dạy và học giữa thầy với trò, trò với trò và giữa các thầy giáo, cô giáo.
CT mới, SGK mới được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm tính đồng bộ giữa các chương trình, đề án thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo...; bảo đảm tính tiếp nối, liên thông giữa các cấp học, các lớp học, giữa các môn học, chuyên đề học tập và hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Bảo đảm yêu cầu giảm tải, tính thiết thực, cập nhật với xu thế giáo dục hiện đại trên thế giới và gắn với chương trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường; Kế thừa ưu điểm của CT, SGK hiện hành đồng thời tham khảo tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển, đáp ứng yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế.
Thực hiện một CT, nhiều SGK; CT mới được xây dựng, thẩm định và ban hành trước làm cơ sở cho việc biên soạnSGK; CT mới được thực hiện thống nhất trong toàn quốc, trong đó quy định những yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh sau mỗi cấp học, nội dung và thời lượng giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh, đồng thời có một phần thích hợp để các cơ sở giáo dục chủ động vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Khuyến khích các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Nhà trường, giáo viên chủ động lựa chọn SGK; Chú trọng phát huy sự đóng góp của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý... và toàn xã hội trong quá trình xây dựng, biên soạn và triển khai thực hiện CT mới, SGK mới.
Đề án cũng cho biết, CT mới, SGK mới đáp ứng yêu cầu của giai đoạn giáo dục cơ bản là bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, toàn diện và thực sự cần thiết; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp phù hợp với năng lực, nguyện vọng và chủ động chuẩn bị tốt cho giai đoạn giáo dục sau phổ thông.
CT mới, SGK mới được xây dựng, biên soạn theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên. CT mới, SGK mới phải đáp ứng yêu cầu và góp phần tạo động lực đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
CT mới, SGK mới được xây dựng, biên soạn đáp ứng yêu cầu và tạo điều kiện thuận lợi thực hiện đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. CT mới phải xác định cụ thể nội dung và yêu cầu cần đạt đối với mỗi môn học, lớp học, cấp học nhưng không quá chi tiết để căn cứ vào CT biên soạn được nhiều SGK. SGK phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cho phép sử dụng, xuất bản.
Việc lựa chọn SGK thuộc thẩm quyền của nhà trường và được thực hiện công khai, minh bạch căn cứ điều kiện thực tiễn, có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh.
Đề án nêu rõ xây dựng chương trình mới phải bảo đảm tính khoa học, hiệu quả, công khai, minh bạch. CT mới phải thể hiện rõ mục tiêu giáo dục phổ thông và mục tiêu giáo dục của từng cấp học, môn học; quy định yêu cầu cần phải đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh cuối mỗi cấp học, nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học của giáo dục phổ thông.
Việc lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng CT mới được thực hiện công khai, minh bạch. CT phải được lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân và được thực nghiệm nhằm bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm, tính khả thi và độ tin cậy.CT mới phải được Hội đồng quốc gia thẩm định CT thẩm định trước khi phê duyệt, ban hành. Tiêu chí lựa chọn thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định CT, tiêu chí đánh giá và quy trình thẩm định CT phải được công khai, minh bạch.
Bộ GD-ĐT tổ chức thực hiện biên soạn một bộ SGK mới đủ các môn học ở các lớp học, bảo đảm tiến độ theo lộ trình của Đề án. Việc tổ chức biên soạn SGK phải huy động được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có năng lực tham gia; tiêu chí, quy trình lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn được công khai, minh bạch. SGK phải được lấy ý kiến rộng rãi và được thực nghiệm nhằm bảo đảm sự phù hợp với chương trình, tính khoa học, tính sư phạm, tính khả thi và độ tin cậy.
SGK do Bộ GD-ĐT, các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn phải được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thẩm định trước khi phê duyệt cho phép sử dụng bảo đảm tính khoa học, công bằng. Tiêu chí lựa chọn thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, tiêu chí đánh giá và quy trình thẩm định SGK phải được công khai, minh bạch. Việc biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương phải được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định cấp tỉnh và được Bộ GD-ĐT phê duyệt...
Đề án trên được thực hiện trong ba giai đoạn từ năm 2015-2023. Giai đoạn 1 (4-2015 đến 6-2016), giai đoạn 2 (7-2016 đến 6-2018). Giai đoạn 3 (7-2018 đến 12-2023), trong đó 2018-2019 bắt đầu triển khai áp dụng CT mới, SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.Việc đánh giá chương trình được triển khai trong quá trình thực hiện.
Kinh phí và nguồn vốn 778,8 tỷ đồng
Theo đề án, Nhà nước bố trí 778,8 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ: xây dựng, thử nghiệm chương trình; Biên soạn, thử nghiệm một bộ sách giáo khoa (do Bộ GD-ĐT tổ chức thực hiện), trong đó có SGK song ngữ (tiếng Việt - tiếng một số dân tộc ít người) đối với một số môn học ở cấp tiểu học; biên soạn thử nghiệm SGK điện tử; Thẩm định CT và thẩm định SGK; Tập huấn, bồi dưỡng cho người tham gia xây dựng, biên soạn, thẩm định CT mới, SGK mới; xây dựng hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện CT mới, SGK mới; Cung cấp SGK cho các trường vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, học sinh khuyết tật.
Huy động kinh phí của các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân để biên soạn các SGK (ngoài bộ sách do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn) và triển khai các hoạt động khác của Đề án không sử dụng kinh phí của Nhà nước.
Theo Báo Nhân dân điên tử