Cập nhật: 16/04/2015 08:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở GD-ĐT Hà Nội mới quyết phương án để các trường thực hiện công tác tuyển sinh.

Học sinh lớp 6 trường THCS Ngô Sĩ Liên trong giờ tập thể dục (ảnh minh họa)

Hôm nay (16/4), Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội sẽ chốt phương án tuyển sinh vào lớp 6 với những trường có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh để báo cáo lên các cấp có thẩm quyền xem xét. Sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở GD-ĐT Hà Nội mới quyết phương án để các trường thực hiện công tác tuyển sinh.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trước khi được Sở GD-ĐT và chính quyền địa phương xem xét, phê duyệt phương án tuyển sinh, các trường có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh phải trình phương án tuyển sinh ngoài hình tức thi tuyển.

Trong sáng 15/4, Sở GD-ĐT Hà Nội đã họp với các trường THCS có phương án tuyển sinh riêng và đi đến thống nhất: Tuyển sinh vào lớp 6 thực hiện theo phương thức xét tuyển kết hợp với đánh giá năng lực toàn diện của học sinh.

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, ngày 21/4 tới, lãnh đạo ngành GD-ĐT thủ đô sẽ họp báo để công khai thông tin cho báo chí và người dân quan tâm được biết về phương thức tuyển sinh đầu cấp đối với các trường có lượng hồ sơ đăng ký lớn hơn chỉ tiêu.

Trước yêu cầu cấm tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6 của Bộ GD-ĐT và trong khi Sở GD-ĐT Hà Nội chưa quyết được phương án hữu hiệu nhất, các trường THCS có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều hơn so với chỉ tiêu như “ngồi trên đống lửa” không biết xoay sở thế nào khi mà chỉ còn hơn 2 tháng nữa là diễn ra đợt tuyển sinh đầu cấp học. Nhiều trường đành đưa ra phương thức khảo sát dựa theo trắc nghiệm để kiểm tra kiến thức của học sinh như: kiểm tra chỉ số thông minh (IQ), chỉ số cảm xúc (EQ) và kiểm tra năng lực quan sát, kỹ năng, thái độ, chỉ số vượt khó của học sinh. Có trường còn đề ra phương án tổ chức tuyển sinh vào lớp 6 bằng hình thức tổ chức thi riêng môn Ngoại ngữ.

Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, để có phương án tuyển sinh khả thi, hiệu quả, an toàn trên toàn thành phố, Sở sẽ mời các nhà khoa học, các nhà giáo, quản lý giáo dục đánh giá cũng như dư luận xã hội đóng góp ý kiến.

Những trường THCS có lượng hồ sơ đăng ký nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh sẽ phải trình phương án tuyển sinh lên Sở GD-ĐT Hà Nội và các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt rồi mới được tiến hành thực hiện.

Mỗi mô hình trường có những đặc điểm khác nhau nên Sở GD-ĐT Hà Nội không đưa ra phương án cứng nhắc bắt các trường phải thực hiện. Tuy nhiên, trong các phương án mà các trường gửi lên, Sở sẽ chọn ra phương án tối ưu nhất cho mô hình hoạt động của trường đó và đảm bảo được sự công bằng chung cho tất cả các trường. Điều này có nghĩa là Sở GD-ĐT Hà Nội tôn trọng các phương án đa dạng trong sự thống nhất, ổn định chung.

Trước các phương án mà trường đưa ra, ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Nội) khẳng định, tuyệt đối không được thi tuyển các môn văn hóa trong đó có môn Ngoại ngữ. Trường quốc tế cũng không được thi đầu vào tiếng Anh.

Nhiều trường trình phương án tuyển sinh “độc đáo”

Trong khi các trường chờ đợi được duyệt phương án tuyển sinh đầu cấp, nhiều trường THCS có hồ sơ đăng ký lớn hơn chỉ tiêu đã đưa ra phương án trình lên Sở GD-ĐT Hà Nội.

Trường THCS Lương Thế Vinh (Hà Nội): không thi tuyển mà sẽ tổ chức khảo sát có tính chất trắc nghiệm để kiểm tra nhận thức của các em học sinh về tất cả mọi lĩnh vực, gồm: gia đình, xã hội, nhận biết, áp dụng, IQ...

Hệ thống câu hỏi sẽ là tất cả những gì mà ở lứa tuổi các em có thể biết, thậm chí có một số câu hỏi chưa cần học đến lớp 5 vẫn có thể trả lời nếu nhận thức của các em khá tốt.

Mẫu câu hỏi của khảo sát này có thể hình dung đơn giản giống như mẫu và hệ thống câu hỏi ở chương trình “Ai là triệu phú”. Ban đầu sẽ là những câu hỏi dễ nhất, sau đó sẽ nâng dần độ khó ở những câu hỏi sau.

Tuy nhiên, hệ thống câu hỏi cũng sẽ không khó lắm mà phù hợp với chương trình học, lứa tuổi của học sinh. Ngoài ra, còn có thêm một số câu hỏi sẵn rồi các học sinh sẽ chỉ trả lời đúng hoặc sai, hoặc một số câu thì nhận thức vấn đề như thế nào thì các em sẽ viết phần trả lời ra phía dưới.

Hệ thống câu hỏi sẽ khoảng từ 25-30 câu, học sinh sẽ có một giờ đồng hồ để hoàn thành bài khảo sát. Trường sẽ cố gắng để làm thế nào phù hợp với lứa tuổi của học sinh, nhận thức vùng miền… Các đáp án sẽ linh động nhưng vẫn có barem cụ thể để đảm bảo công bằng cho học sinh. Đây là phương án tối ưu mà nhà trường có thể thực hiện được.

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam: phương án tuyển sinh đề xuất của nhà trường là không thi các môn văn hóa mà tập trung vào việc phát hiện năng lực của học sinh theo các dạng thông minh.

Bài test không đo lường khối lượng kiến thức của học sinh Tiểu học được nhận mà tập trung vào việc đánh giá năng lực trong quá trình sử dụng kiến thức, vận dụng kiến thức trong thực tế cuộc sống để biến thành năng lực của mỗi cá nhân. Bài test này đảm bảo việc phát hiện, đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện của người học.

Tất cả các học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học đều có đủ điều kiện nộp hồ sơ xin xét tuyển, sau xét tuyển mỗi học sinh đều được phát hiện năng lực thông qua bài test. Bài test này được xây dựng trên cơ sở tôn trọng kiến thức của học sinh Tiểu học đã có ở chương trình tiểu học ở chuẩn đầu ra được quy định bởi Bộ GD-ĐT.

Mỗi học sinh sẽ phải thể hiện năng lực của mình trên bài test trong vòng 45 phút dưới dạng viết, sẽ phát hiện các mặt trí tuệ năng lực sau: ngôn ngữ, không gian hình ảnh; logic, sáng tạo; cơ thể và tri giác vận động, nội tâm bao gồm cả hành vi và thái độ cá nhân, giao tiếp, âm nhạc.

Cơ sở để trường Chuyên Hà Nội-Amsterdam xây dựng phương án này là dựa trên cơ sở lý thuyết đa trí tuệ.

Trường Marie Curie: phương án tuyển sinh lớp 6 của trường được thực hiện theo phương thức: Học sinh thực hiện 60 phút trắc nghiệm chỉ số trí tuệ (IQ) và chỉ số cảm xúc (EQ). Cấu trúc cụ thể: IQ: 60 câu/45 phút; EQ: 30 câu/15 phút. Ngoài ra, trường xem thêm kết quả học tập 3 năm cuối tiểu học để xét tuyển học sinh vào lớp 6.

Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành: Dự kiến phương án kiểm tra đánh giá năng lực qua các bài thi EQ, IQ đối với học sinh.

Trường THCS Nguyễn Siêu: Đưa ra nhiều phương án như sử dụng một mẫu dành cho giáo viên tiểu học đánh giá HS theo chuẩn đầu ra; tổ chức ngày trải nghiệm cho HS tham gia hoạt động tập thể, nhóm, cá nhân để thầy cô quan sát, đánh giá được hành vi, kỹ năng, thái độ của trẻ. Thực hiện phương án đo chỉ số IQ (chỉ số thông minh), EQ (chỉ số cảm xúc) và chỉ số vượt khó để chọn HS. Trường sẽ ưu tiên tuyển HS chuyển cấp trong nội bộ (vì Trường dân lập Nguyễn Siêu là hệ thống trường đa cấp, từ tiểu học đến THPT), còn chỉ tiêu sẽ tuyển học sinh trường ngoài.

Trường THCS Cầu Giấy: Dự kiến trước hết sẽ tuyển thẳng những học sinh đạt giải Ba trở lên cấp thành phố; cấp quận các môn thi do ngành GD-ĐT tổ chức như: Olympic tiếng Anh, giải Toán, tiếng Anh qua mạng internet, Tin học trẻ. Đạt huy chương cá nhân cấp thành phố các môn thể thao, văn nghệ, mỹ thuật do ngành GD-ĐT tổ chức. Ngoài ra, phần lớn chỉ tiêu còn lại sẽ xét tuyển theo học bạ, trong đó có những tiêu chí như: điểm tổng kết năm học các năm ở tiểu học; điểm môn văn, toán; những nhận xét cụ thể của giáo viên. Quá trình xét học bạ sẽ ưu tiên những học sinh đoạt giải trong cuộc thi cấp trường; giải Khuyến khích ở các cuộc thi cấp quận, cấp thành phố./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm