Cập nhật: 21/04/2015 08:37:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiều độc giả cho rằng, phương án tuyển sinh vào lớp 6 bằng xét tuyển nên dựa trên đánh giá nghiêm túc khi thực hiện Thông tư 30.

Học sinh trường THCS Dân lập Đoàn Thị Điểm xem bảng thông báo làm thủ tục

 nhập học lớp 6 năm học 2015-2016

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã; các phòng GD-ĐT yêu cầu tất cả các trường THCS trên địa bàn thành phố tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển.Tuyệt đối không được tổ chức khảo sát, thi tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2015-2016.

Văn bản được đưa ra đã huy bỏ sự thống nhất trước đó vài giờ của Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép 3 trường THCS: Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh, Marie Curie tổ chức tuyển sinh vào lớp 6 theo hình thức xét tuyển kết hợp với đánh giá năng lực học sinh.

Sự thay đổi chóng vánh này được cho là do UBND TP Hà Nội vừa có công văn “hỏa tốc” số 2497/UBND-VX ngày 17/4/2015 gửi Sở GD-ĐT Hà Nội về việc tuyển sinh các cấp học năm học 2015-2016.

Văn bản có nội dung yêu cầu Sở GD-ĐT Hà Nội chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các văn bản của Bộ GD-ĐT: Thông tư số 11/2014TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT; Chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT ngày 03/11/2014 về chấn chỉnh dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học; Công văn số 1258/BGDĐT-GDTrH ngày 17/3/2015 về việc không thi tuyển sinh vào lớp 6.

UBND TP Hà Nội yêu cầu tuyệt đối không để bất kỳ cơ sở giáo dục nào thuộc thành phố thực hiện không đúng chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về công tác tuyển sinh năm học 2015-2016.

Nên để học sinh phát triển toàn diện

Sau khi có văn bản “hỏa tốc” của UBND TP Hà Nội và Sở GD-ĐT thành phố, những trường THCS có số lượng hồ sơ lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh đã tỏ ra lo lắng, lúng túng không biết phương án tuyển sinh năm nay sẽ như thế nào khi mà mùa tuyển sinh đang đến gần.

Còn về phía độc giả, nhiều người bày tỏ quan điểm khác nhau xung quanh câu chuyện tuyển sinh vào lớp 6 năm nay.

Độc giả có tên là Lê Hữu Vĩnh, Văn Thái hoan nghênh quyết định của UBND TP Hà Nội đã ngăn chặn được tiêu cực trong mỗi mùa tuyển sinh. Phụ huynh hãy để cho các cháu được học tập và phát triển một cách toàn diện, không nên chạy đua vào trường “uy tín” dẫn đến tình trạng học thêm, dạy thêm quá tải.

Đồng ý với quan điểm trên, độc giả Hồ Văn Anh bày tỏ ý kiến, phổ cập giáo dục THCS thì không nên vẽ ra trường “chất lượng cao” làm gì cho rối rắm, phiền hà cho phụ huynh và học sinh. Ngày trước thời bao cấp làm gì có loại trường này, mà sao vẫn sinh ra các Viện sĩ hàn lâm, giáo sư, tiến sĩ đầu ngành... Ngành Giáo dục hãy có giải pháp để nâng cao kiến thức và đạo đức cho cho học sinh thì cần thiết hơn.

Bạn Nguyễn Ngọc Hứa cho rằng, quyết định của Sở GD-ĐT Hà Nội là đúng đắn, hợp lòng số rất đông phụ huynh. Các trường có tiếng, uy tín cứ xét tuyển học sinh có hộ khẩu thường trú tại nơi trường có trách nhiệm đào tạo đi đã, thiếu chỉ tiêu mới xét tuyển ngoại tuyến. Nên nhớ rằng "hạt giống tốt thì gieo ở đâu cũng nên cây". Tôi cho rằng, các phụ huynh không nên háo danh mà làm khổ con em, gây tốn kém.

Độc giả Thach Thao nêu quan điểm, Bộ GD-ĐT nên xóa hẳn mô hình trường chuyên ở hệ THCS. Hãy trả lại đúng chức năng của THPT chuyên theo đúng nghĩa của nó.

Độc giả Lê Hùng bày tỏ, Bộ GD-ĐT nên thống kê nghiêm túc những trường chuyên, lớp chọn. Học sinh học trường chuyên, lớp chọn sau khi trưởng thành thì tỷ lệ thành công được bao nhiêu.

Thông tư 30 cần phải được nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng

Trong công văn của Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu tất cả các trường THCS trên địa bàn thành phố tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển. Tuyệt đối không được tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2015-2016.

Có thể tham khảo mô hình giáo dục THCS của một số nước để áp dụng, độc giả Nguyễn Văn Vượng nêu ý kiến, nước ta có thể xem xét chương trình giáo dục của các nước có nền giáo dục tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc... để áp dụng cho Việt Nam, chỉ cần chỉnh sửa cho phù hợp là được.

Nếu phương thức xét tuyển dựa vào học bạ ở cấp Tiểu học, độc giả có tên là Khuong Sanh bày tỏ lo ngại đối với Thông tư  30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, trong đó có quy định không dùng điểm số đánh giá thường xuyên đối với học sinh.

Theo bạn Khuong Sanh, Thông tư 30 có thể khiến chúng ta rất khó đánh giá đúng, khách quan trình độ, năng lực của học sinh. Giáo viên hiện nay phải dạy nhiều lớp nên có khi không nắm rõ năng lực của học sinh, chỉ đánh giá chung chung, không hiệu quả. Vì vậy, Bộ GD-ĐT nên xem xét lại Thông tư 30. Nếu cần thì có thể bãi bỏ càng sớm càng tốt.

Độc giả có tên là Trần Huệ bày tỏ: “Nếu không thực hiện nghiêm túc, khách quan Thông tư 30, học sinh có thể sẽ lười học hơn. Còn giáo viên càng thêm nhiều việc hơn cho việc viết nhận xét. Tại Hội nghị sơ kết trực tuyến học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II cấp Tiểu học năm học 2014-2015 do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức đã diễn ra không như mong đợi. Thay vì không khí sôi nổi, đóng góp nhiệt tình là sự im lặng khó hiểu của hơn 700 hiệu trưởng các trường Tiểu học đối với Thông tư 30. Sự im lặng của các hiệu trưởng là một thực tế cho thấy, sự bất cập trong cách thức nhận xét, đánh giá học sinh Tiểu học”.

Độc giả có tên là Hoang Tuan cho rằng, sự im lặng của hơn 700 hiệu trưởng đã nói lên bất cập trong đánh giá học sinh Tiểu học hiện nay ở các trường công lập. Thông tư 30 chỉ có thể áp dụng thành công ở các trường Tiểu học Dân lập hoặc mô hình trường học chất lượng cao.

 “Muốn thực hiện được Thông tư 30 thì sĩ số học sinh một lớp chỉ 20-25 em thì giáo viên mới có thể đánh giá, nhận xét kỹ lưỡng được. Như vậy, biên chế giáo viên của một trường sẽ tăng lên. Nhưng quỹ tiền lương lấy đâu để trả lương cho giáo viên. Như vậy, một lần nữa Thông tư 30 lại không đáp ứng thực tế. Tôi có cháu nhỏ học lớp 5, tối về không thấy cháu học bài, tôi hỏi thì cháu trả lời: Cô giáo không cho bài tập về nhà nên con không có bài tập để làm. Do đó tối nào cháu cũng lên mạng chơi gemonline mà không chịu học gì cả” – độc giả Nguyễn Cường nêu quan điểm.

Đồng ý với quan điểm trên, bạn Trương Ngọc Hà cho biết, thay đổi ở cấp Tiểu học phải gắn với quá trình học tập, giảng dạy thực tế ở các địa phương. Nếu nơi nào đông dân cư, trường lớp ít mà lại quá nhiều học sinh thì e rằng sự đổi mới đó là phản tác dụng./.

 

Theo Chu Miên/VOV.VN

Tệp đính kèm