Quan tâm, hiểu biết về chế độ dinh dưỡng lành mạnh, phù hợp là điều rất cần thiết không chỉ đối với bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) để ngăn ngừa tiến triển bệnh nặng thêm mà còn giúp mỗi người duy trì sức khỏe, tránh những sai lầm, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ, nhất là bệnh ĐTĐ type 2...
Không bỏ bữa sáng
Chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ type 2 và phòng tránh các biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân ĐTĐ. Chế độ ăn uống lành mạnh gồm nhiều chất xơ: rau lá, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, cá và các loại hạt có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ type 2, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng ở người bệnh. Nếu bỏ qua bữa sáng có thể dễ dẫn đến tăng cân, một trong những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh ĐTĐ type 2. Vì bỏ bữa sáng, người ta thường có cảm giác nhanh đói, ăn ngon miệng và sẽ ăn nhiều, bù vào bữa trưa và tối. Trong khi đó, cơ thể ít hoạt động hơn, nguồn năng lượng cung cấp vào không tiêu hao mà tích trữ từ từ, dẫn đến tăng cân, béo phì. Hậu quả là tăng tình trạng đề kháng insuline, gây tăng đường huyết, dẫn đến ĐTĐ typ 2.
Nên ăn nhiều rau, củ và các loại hạt.
Tuân thủ nguyên tắc
Thông thường, chỉ cần chế độ ăn thích hợp cùng với việc tăng cường hoạt động thể lực đủ giúp bệnh nhân kiểm soát tốt gluco máu và phòng tránh nhiều biến chứng nguy hiểm.
Đối với người bệnh ĐTĐ type 1 hay type 2 phải tuân thủ chế độ ăn giảm lượng carbohydrate (tinh bột) có trong gạo, các loại hạt, lượng tối thiểu khoảng 130g/ngày; lượng tối đa không quá 60% tổng năng lượng trong ngày, để tránh đường huyết tăng cao sau mỗi bữa ăn. Bên cạnh đó, chế độ ăn cần giàu chất xơ có nhiều trong các loại rau, củ và hạt.
Nhu cầu chất đạm khoảng 1g/kg cân nặng/ngày (đối với bệnh nhân không bị suy thận), 100g thịt, cá có thể cung cấp từ 15 - 20g đạm. Trong khẩu phần đạm, ít nhất ăn cá 3 lần/tuần. Đối với chất béo nên sử dụng dầu thực vật, hạn chế chất béo bão hòa (từ mỡ động vật) vì dễ gây xơ vữa động mạch ở người ĐTĐ.
Một số bệnh nhân nghĩ rằng, hoa quả ít đường nên ăn nhiều là không đúng, có những loại hoa quả có lượng đường cao như: dưa hấu, nho, nhãn, lựu, mít, chuối, hay những loại hoa quả có nước nhiều thường làm tăng sự hấp thu đường vào máu nhanh hơn. Chính vì vậy, hoa quả cũng chỉ nên ăn vừa phải, trung bình khoảng 100g-200g/ngày, nên chọn loại ít nước như: táo, ổi, mận, ăn luôn vỏ để có chất xơ giúp làm chậm sự hấp thu đường vào máu. Tuyệt đối không ăn thay thế hoa quả cho những loại thực phẩm khác và cũng không nên dùng chung với bữa ăn, như vậy sẽ không kiểm soát được lượng ăn vào.
Tuy nhiên, mỗi người cần chế độ ăn riêng linh hoạt, phù hợp với cân nặng, nghề nghiệp, thói quen, sở thích, tập quán văn hóa ăn uống từng địa phương, dân tộc. Vì vậy, bệnh nhân cần tham khảo hướng dẫn của các bác sĩ nội tiết, chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn, xây dựng chế độ ăn cụ thể, phù hợp với cân nặng, giới tính, tuổi tác, sở thích và nghề nghiệp.
Theo Thạc sĩ Quang Bảy/Suckhoedoisong.vn