Nhiều DN chỉ chú trọng về lợi nhuận mà quên đi việc bổ trợ kiến thức pháp luật cho người lao động. Hậu quả nhiều vụ đình công, lãn công đã xảy ra
Gần 90.000 công nhân Công ty TNHH Pouyuen đình công phản
đối các quy định tại Điều 60 Luật BHXH năm 2014 (Ảnh: Lao Động)
Cần có nhiều chương trình lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật, nhu cầu được tư vấn pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động.
Khi tuyển dụng công nhân vào làm việc, người sử dụng lao động chỉ thông báo mức lương, thời gian làm việc… mà không quan tâm đến việc cung cấp cho người lao động những quyền mà pháp luật về lao động quy định. Vì vậy mà nhiều vụ việc xung đột và tranh chấp lao động không đúng trình tự pháp luật đã xảy ra.
Thông thường mỗi người có những công việc riêng, làm việc trong những môi trường nào đó nên ít có điều kiện giao tiếp với bên ngoài cũng như ít có những điều kiện tìm hiểu về pháp luật, vì vậy mà có nhiều luật thay đổi, cập nhật chúng ta không nắm bắt kịp.
Đó không chỉ là hoàn cảnh của chị Trần Thị Trân Trang, ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, mà là vấn đề chung của nhiều người lao động hiện nay. Thực tế cho thấy, thời gian làm việc của công nhân khá khắt khe, chưa kể đến nhiều doanh nghiệp tăng ca thường xuyên, công nhân bận rộn, mệt mỏi nên không có điều kiện để tìm hiểu về pháp luật. Trong khi đó, các doanh nghiệp chỉ chú trọng về doanh số, lợi nhuận mà quên đi việc bổ trợ kiến thức pháp luật cho người lao động, hoặc chỉ phổ biến những điều có lợi cho doanh nghiệp. Vì vậy mà đã có nhiều vụ việc đình công, lãn công xảy ra trái với quy định của pháp luật.
Điển hình là vào tháng 3 vừa qua, gần 90.000 công nhân Công ty TNHH Pouyuen, Khu Công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân đồng loạt đình công yêu cầu được hưởng chế độ bảo hiểm một lần. Nguyên nhân là do công nhân chưa hiểu rõ Điều 60 trong Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014, cho phép người lao động được cộng dồn thời gian tham gia bảo hiểm.
Theo đó, khác với trước đây, khi nghỉ việc gián đoạn và nhận bảo hiểm một lần, đến khi công nhân đi làm muốn đóng lại để tính cho đủ năm thì không được phép. Người lao động cũng không biết rằng Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014 chính thức có hiệu lực vào 1/1/2016, còn nhiều thời gian để các đơn vị liên quan và cơ quan ban hành luật tổ chức nhiều cuộc tham vấn, ghi nhận các ý kiến để điều chỉnh cho phù hợp. Việc đình công 5 ngày của hàng ngàn công nhân đã khiến công việc trì trệ, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp và cho cả người lao động.
Theo Luật sư Lê Minh Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh, đa phần người lao động hiện nay còn mơ hồ về pháp luật lao động, việc làm, những quy định về việc hưởng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp. Tính đến hết tháng 10/2015, Trung tâm này đã tư vấn gần 7.000 vụ việc cho người lao động, và tham gia tố tụng gần 550 vụ liên quan đến các vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… Luật sư Phúc cho rằng, người lao động cần được tư vấn nhiều hơn về những vấn đề liên quan.
“Nếu có vướng mắc về tư vấn về bảo hiểm xã hội chẳng hạn, người dân nên đến hỏi các luật sư, luật gia, hoặc đến với trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi tư vấn miễn phí cho tất cả người dân. Ngoài ra chúng tôi còn tham gia tố tụng, tranh tụng cho một số đối tượng khác”, luật sư Phúc khuyến nghị.
Tuy nhiên, không chỉ có người lao động mà ngay chính các doanh nghiệp cũng không thực hiện đúng quy định pháp luật về lao động. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2013 đến 2014, có đến hơn 180 vụ tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể, với sự tham gia của hơn 62.000 người. Mà nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp nợ lương, tiền thưởng cuối năm, vấn đề định mức lao động không hợp lý, điều kiện làm việc không đáp ứng và xấu nhất là chủ doanh nghiệp bỏ trốn.
Theo Luật sư Trần Giáng Hương, Văn phòng Luật sư Tam Đa, Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, công nhân thường xuyên xin tư vấn về việc bị doanh nghiệp sa thải, hoặc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không báo trước. Nhiều công nhân yêu cầu kiện công ty, thậm chí có nhiều trường hợp có thể dẫn đến xung đột, đình công, phá hoại doanh nghiệp…
Luật sư Hương khuyến cáo: “Điều đầu tiên trước khi sa thải doanh nghiệp nên nghiên cứu kỹ về Bộ Luật Lao động và xem xét lại trình tự thủ tục cụ thể để đảm bảo tránh những xung đột, tránh việc đưa nhau ra tòa, dẫn đến tốn kém về thời gian, dẫn đến những việc xung đột không hay giữa người lao động và người sử dụng lao động”.
Còn theo anh Nguyễn Minh Tài, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Chang Yang Việt Nam, từ thực tế làm việc cho thấy, việc tuyên truyền pháp luật cho công nhân cần đi vào chiều sâu, mà cụ thể là áp dụng các phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, như phát tờ rơi, phát trên trung tâm phát thanh của doanh nghiệp. Việc này do công đoàn thực hiện và doanh nghiệp phải tạo điều kiện.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về pháp luật mà các tổ chức công đoàn các cấp đang thực hiện như hiện nay, thì các ban ngành, đoàn thể cũng cần vào cuộc tham gia tích cực, có sự nghiên cứu về xã hội học đối với đối tượng công nhân lao động, để đa dạng hóa về hình thức tuyên truyền. Có nhiều chương trình lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật, nhu cầu được tư vấn pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải có những chính sách để bảo đảm phát triển quan hệ lao động hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động, tránh nhiều xung động trái pháp luật, ảnh hưởng quyền lợi của đôi bên./.
Theo Kim Dung/VOV.VN - TPHCM