Cập nhật: 10/01/2016 11:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, trên thị trường Hà Nội xuất hiện nhiều loại quất bonsai mini và là “đặc sản ngày Tết” được người dân Hà thành ưa chuộng. Đến phường Tứ Liên (quận Tây Hồ - Hà Nội) vào những ngày cuối năm, “rừng quất bonsai” với màu xanh biếc của cây, lá, màu vàng tươi của những chùm quất chín đang thi nhau “đu mình” trên những cành cây “to khỏe”.

Hơn 1.000 cây quất tại vườn quất bonsai Dương Gia hiện đã có chủ gần hết

Chữ “tâm” trong nghề

Anh Dương Tuấn Quỳnh - thế hệ thứ ba kế nghiệp truyền thống trồng quất của dòng họ Dương cho chúng tôi biết: “Năm đầu làm mô hình này, tôi phải vừa chăm sóc, vừa gần gũi với cây, thậm chí, phải đánh đổi thất bại sau nhiều lần trồng cây không thành công để đúc rút kinh nghiệm và mang lại thương hiệu riêng cho quất bonsai Dương Gia”.

Với niềm đam mê nghề gia truyền, anh Quỳnh luôn tìm tòi, học hỏi và đúc kết kinh nghiệm từ gia đình qua cách chăm quả, kỹ thuật uốn dáng của dòng cây cảnh bonsai để khi ra quả, cây không bị kéo sệ và gẫy cành.

Theo anh Quỳnh, làm nghề này cần có sự đam mê mới tạo ra những sản phẩm độc đáo, mới lạ. “Trồng quất cũng giống như khi bạn nấu ăn. Nếu những món ăn của bạn được nhiều người tán thưởng thì chắc chắn bạn sẽ cảm thấy phấn khởi và chẳng cần ai giục thì bạn cũng muốn “lăn vào bếp” và tạo ra nhiều món ăn độc đáo, hấp dẫn hơn” - anh Quỳnh chia sẻ.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan khu vườn, anh Quỳnh vừa giới thiệu vừa tư vấn cho khách. Tùy theo từng đối tượng khách, anh tư vấn chọn cây cho phù hợp với hoàn cảnh và túi tiền, giá dao động từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng; đối với những người có thu nhập cao tìm mua quất bonsai, anh thường khuyên họ chọn cây to đạt tứ quý đúng độ Tết (có đủ hoa, lá lộc, quả vàng, quả xanh và dáng thế) trong khoảng giá từ 3 triệu đến hơn 20 triệu.

Với những khách là “dân sành” về quất bonsai, anh luôn tư vấn vị trí đặt cây cho khách để vừa phù hợp với không gian vừa mang lại vẻ đẹp thẩm mỹ cho ngôi nhà.

Anh Quỳnh cho biết thêm việc tạo thế, dáng phải trải qua quá trình chăm sóc rất công phu. Với những gốc quất bonsai còn phải tính toán thêm để dáng cây hợp với bình và chậu chứa. Một gốc quất bonsai chỉ đẹp khi đảm bảo ba tiêu chí “miệng nhỏ, thân cao, tán rộng”.

“Giữ lửa” cho nghề

Đời sống ngày càng cao cũng là lúc thị hiếu “chơi quất” ngày tết của người dân trở nên tinh vi, khắt khe hơn. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, anh Quỳnh thường xuyên sáng tạo và thay đổi xu thế dáng cây. Đặc biệt, năm nay, anh Quỳnh có trồng thêm loại cây quất bonsai ghép với phật thủ và cây bưởi ghép phật thủ.

Theo ông Đoàn Xuân Trường - Hội trưởng Hội Cây cảnh - Quất nghệ thuật Tứ Liên - Tây Hồ (thuộc Hội Cây cảnh Nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội), xu hướng “chơi quất bonsai” là xu hướng tương lai và tiếp cận nhu cầu của cuộc sống hiện đại.

 “Để giữ vững và phát triển thương hiệu quất Tứ Liên, tháng 6/2015, Hội Cây cảnh - Quất nghệ thuật Tứ Liên - Tây Hồ được thành lập quy tụ khoảng 100 hội viên là những gia đình trồng quất ở phường Tứ Liên” - ông Đoàn Xuân Trường cho biết.

Với mục tiêu trên, Hội đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, cắt, tỉa, uốn…giữa các thành viên; mời các chuyên gia của Hội Cây cảnh Nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội cố vấn về kỹ thuật, vấn đề tổ chức, định hướng phát triển cây quất Tứ Liên.

Khi được hỏi về định hướng trồng quất ở Tứ Liên, vị Hội trưởng cho rằng Tứ Liên sẽ giữ vững việc trồng cây quất truyền thống kết hợp với trồng quất bonsai, tuy nhiên, quất bonsai sẽ chiếm lĩnh thị phần lớn. “Chúng tôi hướng đến những sản phẩm quất bonsai độc đáo và mang tính nghệ thuật cao. Điều này sẽ tạo ra sự đổi mới và độc đáo của quất Tứ Liên”, ông Trường nhấn mạnh.

ST

Tệp đính kèm