Chứng đau vai gáy là một căn bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng tỉ lệ chiếm nhiều hơn cả là lứa tuổi trưởng thành, đặc biệt ở người có tuổi. Đau cổ, vai gáy có thể có một số trường hợp gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Tại sao bị đau vai gáy?
Có hai loại đau vai gáy thường gặp đau vai gáy cấp tính và đau vai gáy mạn tính.
Đau vai gáy cấp thường là đau cơ năng bởi bị nhiễm lạnh đột ngột (nằm, ngồi làm việc trong phòng máy lạnh, tắm nước lạnh, tắm ban đêm…), nằm sai tư thế, gối đầu quá cao (nhiều người có thói quen ngủ gối cao đầu làm ảnh hưởng rất nhiều đến vai gáy do hệ mạch máu bị chèn ép làm cho máu ở vùng cổ kém lưu thông) hoặc do nằm ngủ không trở mình, vận động sai tư thế (đột ngột quay cổ) hoặc do nghề nghiệp phải ngồi quá lâu trong một thời gian dài mà cột sống không được vận động. Ngồi lâu một tư thế khiến các cơ vùng cổ và bả vai bị co gây đau mỏi liên tục, đau nhói tại một vùng ở bả vai nhất là cột sống cổ làm cho khí huyết không được lưu thông làm thiếu máu nuôi dưỡng thần kinh hoặc thần kinh bị chèn ép (làm việc văn phòng, lái xe, đọc sách, viết sách, tài liệu…) hoặc do chấn thương đột ngột vùng cơ vai, gáy gây nên co cơ bất chợt.
Đau vai gáy mạn tính xảy ra có tính chất thường xuyên, vùng vai gáy gần như lúc nào cũng mỏi. Loại viêm mạn tính chiếm tỉ lệ rất cao, thông thường do thoái hóa đốt sống cổ làm hẹp lỗ tiếp hợp chèn ép các rễ, dây thần kinh cột sống cổ (khoảng 80%). Đau cổ, vai gáy có thể do nguyên nhân ngay tại khớp vai hoặc nguyên nhân từ khớp (cơ, bao gân, dây chằng, thần kinh…).
Ngoài ra, đau vai gáy còn có thể do thiểu năng mạch vành, do u đỉnh phổi và đôi khi là do thoái hóa đốt sống cổ (mỏ gai, thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ) dẫn tới các dây thần kinh ở vùng cổ bị chèn ép gây đau.
Tính chất của đau vai gáy có gì đặc biệt?
Bệnh đau vai gáy xuất hiện một cách thất thường, nhiều trường hợp bỗng dưng sau một đêm ngủ dậy thấy đau nhức khắp mình, đặc biệt là đau vùng cổ, vai, gáy. Vì vậy, triệu chứng đầu tiên mà người bệnh có thể dễ dàng nhận thấy đó là đau cơ vùng cổ gáy, vai và phần lưng trên. Lúc đầu chỉ là đau nhẹ và hạn chế vận động ở vùng gáy cổ, vùng đầu không quay thoải mái được mà hầu như chỉ nghiêng sang trái hoặc phải mà không thể quay lại phía sau. Cơn đau nhức có thể xuất hiện tự phát hoặc sau khi lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng, nhiễm lạnh. Đau thường có tính chất cơ học: tăng khi đứng, đi, ngồi lâu, ho, hắt hơi, vận động cột sống cổ; giảm khi nghỉ ngơi. Đau cũng có thể tăng khi thời tiết thay đổi. Đau vai gáy nhiều khi đau lan xuống bả vai, làm tê mỏi các cánh tay, cẳng tay và ngón tay rất khó chịu (sờ vào có cảm giác như tê cứng bì), đó là triệu chứng tăng cảm giác. Triệu chứng tăng cảm giác đến mức chỉ sờ nhẹ ngoài da vùng gáy hoặc chỉ ấn lướt rất nhẹ mặt ngoài da cánh tay, cẳng tay, mu bàn tay cũng tạo ra cảm giác đau rõ rệt, đây có thể là biểu hiện của rối loạn phản xạ gân xương. Khi bị đau quá mức, các động tác đi lại nhẹ nhàng cũng ảnh hưởng và cũng gây đau cổ, vai, gáy.
Khi bệnh nặng hơn mọi sinh hoạt vận động nhẹ liên quan đến vùng cổ, vai, gáy đều rất đau làm hạn chế hầu như mọi sinh hoạt của người bệnh và có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, mọi sinh hoạt và ăn uống. Khi ngủ người bệnh cũng gặp khó khăn, nếu nằm về phía bên bị bệnh, lực cơ thể làm đau thêm, còn nếu nằm về phía bên lành, bên bệnh bị kéo vẫn đau.
Hậu quả của chứng đau vai, gáy, cổ có thể lan sang hai bên và kèm theo cảm giác chóng mặt, hoa mắt, ù tai, đi đứng loạng choạng, khó nuốt (uống nước sặc, nghẹn), đó là dấu hiệu của rối loạn tiền đình, rối loạn tuần hoàn não. Một số trường hợp có thể xảy ra rối loạn chức năng, liệt các dây thần kinh VIII, X, XI…Có một số nghiên cứu cho rằng đau vai, cổ, gáy kéo dài là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh liệt nửa người, thậm chí gây nhồi máu cơ tim do mạch máu nuôi dưỡng tim bị chèn ép.
Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh
Khi bị đau vai gáy nên đi khám bệnh để xác định xem có bị chèn ép gây tổn thương hay không. Nếu chỉ bị nhẹ, cơn đau không kéo dài, bản thân người bệnh có thể tự điều trị bớt đau bằng cách dùng hai bàn tay xoa bóp, gõ, vuốt cho vùng cổ, vai, gáy nhiều lần có thể giảm đau. Đồng thời bác sĩ sẽ cho thuốc giảm đau, chống viêm (thuốc uống, tiêm hoặc thoa ngoài da, cao dán…) và các thuốc giãn cơ. Lúc này cần hạn chế quay đầu, nghiêng đầu để cho bệnh có thể tự hồi phục. Cần chườm ấm vùng cổ, chiếu đèn hồng ngoại (nếu có), nên có người giúp xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ vai gáy chừng 10 - 15 phút nhằm làm tăng lượng máu lưu thông. Khi tắm, nên tắm bằng nước ấm. Khi cơn đau cấp tính chỉ đơn thuần (không viêm nhiễm) có thể chườm bằng nước đá có tác dụng giảm đau tốt.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để tránh đau vai gáy, cổ nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp. Nên vận động, nghỉ ngơi, giải lao giữa giờ làm việc, nên giải lao khi phải ngồi lâu. Khi ngồi học, đọc sách hoặc đánh máy, cần giữ cổ luôn thẳng, tránh sai tư không cúi gập cổ quá lâu. Hàng ngày, nên ăn đủ chất và bổ sung một số khoáng chất cho cơ thể như: canxi, kali và các vitamin nhóm B, C, E.
PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU
Theo suckhoedoisong.vn