Cập nhật: 07/06/2016 08:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc - Nga - Mỹ đã đẩy Trung Quốc - Nga xích lại gần nhau và hợp tác chặt chẽ hơn.

Từ trái qua: Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

 và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ khai mạc hội nghị 'Đối thoại

Chiến lược và Kinh tế’ lần thứ 8, tại Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters).

Mỹ - Trung đối đầu, Biển Đông dậy sóng

Những căng thẳng trên Biển Đông đã “phủ bóng đen” lên cuộc đối thoại Trung - Mỹ ngày 6/6 ở Bắc Kinh. Theo các chuyên gia, lời qua tiếng lại giữa 2 cường quốc này có thể khiến căng thẳng Biển Đông leo thang mạnh mẽ.

Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ khu vực Biển Đông thuộc về mình, đồng thời cho xây dựng, bồi đắp trái phép đảo nhân tạo trong khu vực.

Washington phản ứng lại vụ việc bằng cách gửi tàu chiến đến tuần tra xung quanh các đảo nhân tạo của Băc Kinh. Trước động thái trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần bày tỏ sự “bất bình”, cho rằng đây là động thái chọc giận Trung Quốc.

Căng thẳng giữa 2 nước càng leo thang sau khi tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post) vào tuần trước đưa tin rằng Bắc Kinh có thể đã thiết lập một Khu vực định dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Trong chuyến thăm Mông Cổ ngày 5/6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố, việc thành lập ADIZ là “một hành động khiêu khích và gây mất ổn định”. “Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là không một quốc gia nào được phép đơn phương quân sự hóa trong khu vực”, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh.

Tiếp đó, ngày 6/6, tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung - Mỹ lần thứ 8 tổ chức ở Bắc Kinh, Ngoại trưởng John Kerry tiếp tục nhắc lại quan điểm Mỹ không phải là bên tranh chấp nhưng có lợi ích ở Biển Đông. Các nước trong khu vực không được áp dụng các hành động đơn phương, mà phải thông qua đàm phán và con đường ngoại giao, dựa trên luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp.

Đáp lại lời tuyên bố của Mỹ, tại Diễn đàn an ninh Shangri-La ở Singapore ngày 5/5, đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc lại cho rằng: “Biển Đông trở nên căng thẳng do có sự can thiệp của một vài nước bên ngoài vì quyền lợi ích kỷ của họ”.

Một quan chức Mỹ nhận định với phóng viên AFP: “Căng thẳng trên biển Đông đang leo thang hơn so với năm ngoái. Chúng tôi vẫn đang quan tâm sát sao đến khu vực này”.

Trước cuộc gặp giữa giới chức cấp cao hai nước ngày 6/6, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zheng Zeguang cũng đã cảnh báo, cuộc đối đầu giữa Trung - Mỹ không chỉ là thảm họa cho cả 2 nước mà còn là thảm họa của cả thế giới.

Trung Quốc thắt chặt hợp tác với Nga

Trong lúc căng thẳng gia tăng với Mỹ quanh vấn đề Biển Đông, bên lề Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 ở Singapore vào ngày 3/6, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc đã gặp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov. Tại cuộc gặp mặt, hai nước cam kết đẩy mạnh hợp tác quân sự.

Đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc nói rằng giữa 2 nước đang có xu hướng phát triển hợp tác quân sự mạnh mẽ, mối quan hệ giữa hai nước cũng đang diễn ra tương đối thuận lợi. 

Ông Tôn Kiến Quốc cũng nhấn mạnh thêm, trước tình hình an ninh quốc tế ngày càng phức tạp, việc thắt chặt hợp tác giữa hai bên là điều cực kỳ cần thiết.

Đáp lại, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Antonov cho biết ông đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Quốc phòng Nga và Trung Quốc. Ông Antonov cũng bày tỏ mong muốn, Nga với Trung Quốc sẽ hợp tác với nhau nhiều hơn nữa trong các cuộc chiến chống lại các mối đe dọa an ninh của 2 nước, bao gồm chủ nghĩa khủng bố.

Ông Antonov tuyên bố, việc mở rộng quan hệ với Bắc Kinh là ưu tiên tuyệt đối của Nga. Trong điều kiện tình hình quốc tế nhiều biến động, việc hai nước láng giềng tăng cường quan hệ sẽ có lợi cho hòa bình và ổn định trên lục địa Á- Âu và xa hơn nữa.

Đối với ông Antonov, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo 2 nước Nga- Trung là động lực cần thiết để phát triển quan hệ song phương, bao gồm trong lĩnh vực quân sự./.

Theo Phương Chi/VOV.VN

Tệp đính kèm