Cập nhật: 18/07/2016 14:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Do nhiều yếu tố tác động, đến nay, hầu hết các làng xã vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung và ở Vĩnh Tường nói riêng, những gốc gạo cổ thụ, sần sùi ngày một ít dần, nên đã để lại một khoảng trống lớn đối với những ai say sưa với văn hóa làng xã và nhất là những người dân chốn quê thanh bình. 

Cây gạo còn có tên gọi là Mộc miên, nhưng người dân chốn quê chẳng mấy khi gọi như vậy mà thường gọi bằng cái tên vừa gần gũi, thân thương, vừa mộc mạc, chân chất đậm vị quê- Cây gạo. Được coi là một trong những biểu tượng sống của làng quê Việt, cây gạo… mà chủ yếu được trồng ở đầu làng, cạnh đường cái lớn hoặc những gò đất cao ngoài đồng. Không biết có phải vì lý do đó không mà những gốc gạo cổ thụ sần sùi kia luôn trầm mặc, lặng im đưa và đón bao thế hệ dân làng ra đi và trở về. Và rồi, sự im lặng ấy dường như được bừng thức bởi những bông hoa lửa làm rực sáng cả một khoảng trời quê vào mỗi độ tháng ba.

  

Cây gạo cổ thụ ở xứ đồng Cửa Và, thôn Phủ Yên 1, xã Yên Lập

Trải bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, những cây gạo đầu làng vẫn gần gũi, quen thuộc và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của mỗi người dân chốn quê. Đối với những đứa trẻ quê, gốc gạo là nơi in dấu biết bao kỷ niệm đẹp của thời ấu thơ mà ở thành phố chắc gì đã có. Bởi thế, đứa trẻ quê nào cũng háo hức ngóng chờ đến tháng ba Âm lịch để được ngắm nhìn và vui chơi thỏa thích dưới tán cây gạo của làng mình. Còn nhớ ngày xưa đi chăn trâu, cắt cỏ, cánh con trai trong làng thường chuẩn bị cả túi sỏi và nỏ cao su để bắn hoa gạo. Trò bắn hoa gạo thời ấu thơ thật thú vị và khó có thể diễn tả thành lời. Cánh con trai trong làng đứa nào cũng sử dụng nỏ cao su rất thành thạo. Bắn phát nào cũng có vài ba cái hoa gạo rơi và mỗi khi những bông gạo bị trúng sỏi rơi xuống, cánh con gái lại tranh nhau nhặt. Chẳng mấy chốc hoa gạo đã đầy nón và tất cả lại xúm xít cùng ăn cho thỏa. Bộ phận nào của hoa gạo cũng đều ăn được, song, ngon nhất là đài hoa (dân gian gọi cùi hoa), ăn có vị chua chua, chát chát, chấm với muối hạt gói vào lá chuối non thì ngon phải biết. Ngày xưa, điều kiện kinh tế khó khăn, tháng Ba giáp hạt, cơm trộn ngô vàng chóe cũng chẳng có mà ăn, vì thế, những bông hoa gạo đầu làng kia, ít nhiều cũng làm cho lũ trẻ quê vơi đi cái đói. Tuổi thơ của những đứa trẻ quê gắn với gốc gạo đầu làng tuy đơn sơ, lam lũ vậy thôi nhưng giờ đây, nhiều người trong số chúng ta lại hằng ao ước được quay trở về chốn quê thanh bình ấy để tận hưởng.

 

Thời niên thiếu bên gốc gạo đầu làng

Với lũ trẻ quê, hoa gạo đơn thuần chỉ là món ăn, nhưng với các cụ cao niên trong làng, hoa gạo là phép kỵ hèm rất hiệu quả, được lưu truyền trong dân gian. Theo đó, nhà nào có chó, mèo đẻ vào dịp tháng ba Âm lịch, các cụ vẫn nhắc con, cháu phải lấy hoa gạo buộc hoặc treo gần ổ thì chó, mèo con khi sinh ra sẽ không bị chết mà còn hay ăn, chóng lớn. Không chỉ được dùng làm phép kỵ hèm, hoa gạo còn là nguồn “dự báo thời tiết” khá chính xác cho dân làng. Đến nay, người dân chốn quê, không ai lại không nhớ câu ca của các cụ truyền lại:“Bao giờ cho đến tháng Ba/ Hoa gạo rụng xuống, bà già cất chăn”. Vì thế, cứ nhìn thấy cây gạo đầu làng bung nở những bông hoa đỏ rực, người dân chốn quê, ai nấy đều tất bật với công việc giặt giũ, phơi cất chăn bông, áo ấm để chuẩn bị cho mùa đông năm tới.

Ngoài làm phép kỵ hèm, “dự báo thời tiết”, nhiều bộ phận của cây gạo còn là những bài thuốc dân gian quý giá dùng để chữa bệnh, cứu người. Theo Đông y: Vỏ cây gạo (vỏ mềm) có vị cay, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, hoạt huyết, tiêu thũng, thường được dùng để chữa viêm loét dạ dày, tiêu chảy, kiết lỵ, đau sưng khớp cổ chân và khớp gối, chấn thương đụng giập... Hoa gạo có vị ngọt, hơi đắng chát, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thông huyết, chỉ huyết, thu liễm, sát khuẩn, tiêu viêm, làm se, cho nên, hoa gạo được sử dụng làm thuốc tiêu viêm, trị mụn nhọt.  Rễ cây gạo có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu, làm se, chữa lao hạch, sưng vú sau khi sinh con, chấn thương đụng giập…Với nhiều công dụng như vậy, những cây gạo đầu làng không chỉ là “biểu tượng sống”, là diện mạo vật chất của làng quê mà còn là tài sản chung của làng, được các thế hệ dân làng nhắc nhở nhau không ngừng chăm sóc, bồi bổ.

  

Cây gạo cổ thụ ở thôn Đơi, xã Thượng Trưng

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, diện mạo của làng quê đang từng bước thay da, đổi thịt. Những con đường thôn, liên thôn, liên xóm, đường nội đồng được bê tông hóa. Những ngôi nhà tranh, nhà ngói được thay thế bằng nhà mái bằng, nhà cao tầng khang trang, kiên cố. Cuộc sống của người dân chốn quê từng bước được nâng lên rõ rệt với những tiện nghi sinh hoạt ngày càng phong phú, đa dạng. Làng quê thay đổi, đương nhiên, diện mạo của làng cũng không tránh khỏi bị tác động mà sự giảm dần số lượng những lũy tre, cây gạo cổ thụ đầu làng là một minh chứng sinh động.

Để tìm hiểu thực tế về số lượng các cây gạo cổ thụ ở Vĩnh Tường hiện nay, chúng tôi đã tiến hành khảo sát một số địa phương như: Thượng Trưng, Yên Lập, Phú Thịnh, Lý Nhân, Cao Đại, Tứ Trưng, Tam Phúc,....Qua khảo sát thực tế, đặc biệt qua lời kể của các cụ cao niên trong làng, số lượng cây gạo cổ thụ ở Vĩnh Tường hiện nay đã giảm so với trước kia. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do cây gạo bị chết hoặc làm đường nên phải chặt bỏ. Đặc biệt,  trận mưa đá lớn vào tháng 11 năm 2006 đã tàn phá nhiều cây gạo ở Vĩnh Tường. Bên cạnh đó, hiện tượng ngập úng, sâu bệnh, nhất là sâu đục thân không được nhân dân phát hiện kịp thời cũng là nguyên nhân làm cho nhiều cây gạo cổ thụ như: Cây gạo lịch sử xã Thượng Trưng; cây gạo ở thôn Hạc Đình, xã Yên Lập,... trước đây xanh tốt là vậy nhưng bây giờ chỉ còn lại những cành khô trơ trụi với tấm thân bạc phếch. Giống như một “thành viên” của làng xã, những cây gạo cổ thụ kia dường như có “linh hồn” và nó hòa nhập vào cuộc sống tâm linh của mỗi người dân chốn quê. Bởi vậy, khi một số cây gạo bị khô và chết, các cụ cao niên trong làng thường làm lễ hóa cho cây và không quên công việc trồng cây gạo mới ngay trên nền đất cũ. Nhìn cây gạo mới được các cụ trong làng trồng thế vào vị trí cũ tuy đang căng tràn nhựa sống nhưng biết đến bao giờ tán của nó mới che phủ cái khoảng trống mà cây gạo cũ đã phủ che. Thế mới biết, phải đặt mình vào người dân trồng cây, hàng ngày vun trồng, chăm bón thì mới thấy được để cây gạo con trở thành cây cổ thụ cần bao nhiêu sức lực và thời gian.

Mặc dù số lượng những gốc gạo cổ thụ có giảm, ở Vĩnh Tường hiện nay vẫn còn đáng kể những cây gạo cổ thụ, lâu niên, quý giá đang được người dân gìn giữ, chăm sóc, bảo tồn. Trong số đó phải kể đến hai cây gạo ở xứ đồng Cửa Và, thôn Phủ Yên 1, xã Yên Lập; cây gạo ở đầu thôn Đơi, xã Thượng Trưng; cây gạo xứ đồng Ven Đê, giáp ranh giữa hai xã Lý Nhân và Phú Thịnh,... Hằng năm, cứ từ Tết Hàn Thực trở đi, những cây gạo này lại bung nở những bông hoa lửa sáng rực một khoảng trời quê. Trên nền xanh biêng biếc của cánh đồng lúa đang thì con gái, của ao bèo tấm ven làng thì vẻ đẹp của nó dường như lung linh hơn và có sức hấp dẫn lạ kỳ đối với nhiều loài chim từ đâu bay về ca hót. Nếu có dịp được quan sát trực tiếp những cây gạo nở hoa vào mỗi độ tháng ba, chắc chắn ai cũng cảm nhận được vẻ đẹp của làng quê, cảm nhận cái chiều sâu của bản sắc văn hóa làng xã cổ truyền mà những cây gạo kia là một lát cắt.

Có thể khẳng định, những gốc gạo cổ thụ, sần sùi mang màu thời gian kia không chỉ được coi là biểu tượng sống, là dấu hiệu quen thuộc để nhận diện một làng quê mà nó còn là tài sản chung của dân làng. Vì thế, cây gạo, nhất là những cây cổ thụ rất cần được người dân bảo tồn, chăm sóc, vun trồng, gìn giữ để nó thực sự và mãi mãi là biểu tượng sống của những ngôi làng Việt.

 

 ST

Tệp đính kèm