Lão thị là hiện tượng khả năng nhìn gần của mắt bị giảm dần. Đây là hiện tượng lão hóa tự nhiên và xuất hiện bắt đầu ở độ tuổi 40 và sẽ tăng dần cho đến độ tuổi khoảng 65.
Do tuổi ngày càng cao, thủy tinh thể tự nhiên trong mắt bị cứng dần sẽ gây ra hiện tượng lão thị.
Thế nào là lão thị?
Mắt điều tiết bình thường cho phép đọc được rõ ràng và không mệt mỏi ở khoảng cách 30cm. Khả năng điều tiết sẽ giảm dần cùng với sự tăng lên của tuổi tác. Khi nhìn gần ở khoảng cách 33cm mà cảm thấy khó khăn, không rõ là đã bắt đầu lão thị. Thời gian bị lão thị thay đổi tùy từng người, không giống nhau, thường ở xung quanh tuổi 45. Có thể xuất hiện sớm ở những người dinh dưỡng kém hoặc làm những việc nặng nhọc.
Người bị lão thị là do khả năng điều tiết giảm song song với tuổi. Từ lúc nhỏ đến lúc tuổi cao, khoảng cách từ mắt đến điểm gần cứ xa dần. Điểm gần xa chừng nào thì khả năng điều tiết giảm chừng ấy.
Sự suy giảm khả năng điều tiết với tuổi có liên quan tới nhân của thủy tinh thể to lên, tới cơ mi yếu đi không còn khả năng làm giãn dây treo của thể thủy tinh và tới bao của thể thủy tinh bị giảm tính đàn hồi.
Nguyên nhân
Do tuổi ngày càng cao, thủy tinh thể tự nhiên trong mắt chúng ta bị cứng dần sẽ gây ra hiện tượng lão thị. Vì thủy tinh thể kém nhạy bén như vậy nên nó không thể thay đổi hình dạng để tập trung nhìn vào những hình ảnh gần, do đó các hình ảnh gần này nằm ngoài tầm nhìn của mắt.
Ở lứa tuổi từ 40 trở lên, không kể các yếu tố bệnh lý, những biến đổi sinh lý đã tác động đến chức năng thị giác, phổ biến nhất là giảm khả năng điều tiết của mắt và xuất hiện lão thị.
Lão thị khác viễn thị
Nhiều người cho rằng lão thị là viễn thị nhưng không phải vậy. Cần phân biệt hai loại này vì viễn thị là một tật khúc xạ, nó có thể xuất hiện ngay cả ở trẻ em còn lão thị chỉ là một biến đổi sinh lý của mắt xuất hiện ở lứa tuổi ngoài 40, do mắt giảm khả năng điều tiết.
Như đã nêu ở trên, thủy tinh thể là một thấu kính hội tụ đặc biệt vì nó có khả năng thay đổi được độ cong để nhìn rõ một vật ở gần mắt nhờ tính đàn hồi (người ta gọi đây là hiện tượng điều tiết). Nhưng sự đàn hồi của thủy tinh thể ngày càng kém đi cho đến khi ở vào lứa tuổi trên 40, sự suy giảm sức điều tiết của thủy tinh thể gây trở ngại cho việc đọc sách và làm công việc gần. Do đó ở lứa tuổi này muốn đọc sách người ta thường phải đưa sách ra xa mắt.
Cách phát hiện lão thị
Như đã nói khi nhìn gần đặc biệt là khi đọc ở khoảng cách chừng 33cm cảm thấy khó khăn hoặc nhìn mờ, lúc đó mắt đã bắt đầu bị lão thị. Nếu để ra xa (ngoài 33cm) thì có thể đọc được, tuy nhiên cảm thấy chóng mỏi mắt, có khi nhức đầu sau lúc làm việc hoặc vào buổi chiều.
Lão thị có thể xuất hiện sớm ở người bị viễn thị, đái tháo đường do khả năng điều tiết giảm, bị glôcôm: khi nhìn gần thì mờ đi, để xa mới rõ do đồng tử bị giãn rộng và cơ thể mi bị liệt nhẹ. Trái lại lão thị xuất hiện chậm ở người cận thị.
Sử dụng kính lão thị
Khi đã phát hiện lão thị, cần phải điều chỉnh bằng kính để nhìn gần được rõ ràng, chính xác. Có người không dùng kính, sợ làm tăng nhanh số kính, điều này hoàn toàn không có cơ sở. Thật ra thì có một số ít người bị lão thị không dùng kính, cố gắng để xa vẫn đọc được, có khi phải nheo mắt để nhìn rõ, nhất là dưới ánh sáng tốt. Tuy vậy sau khi đọc, sau một ngày làm việc thấy mệt mỏi, có khi nhức trán, nhức đầu, do mắt phải điều tiết quá mức.
Người lão thị cần dùng kính hội tụ (kính lão), nên dùng kính không màu để đọc, nhìn gần. Nên tới chuyên khoa mắt khám và thử kính, nhất là lần đầu, để chọn số kính thích hợp. Không nên dùng kính quá cao hoặc quá thấp so với yêu cầu, mắt phải điều tiết nên chóng mệt mỏi.
Tiêu chuẩn một kính tốt là đọc được rõ ràng, dùng lâu vẫn cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái. Chất lượng của kính còn phụ thuộc kỹ thuật làm kính, độ nặng của gọng, độ chênh của mắt kính và khoảng cách giữa kính và mắt.
Thông thường, dùng kính sau một vài năm phải thay số. Cần chú ý là hiện tượng lão suy ở mắt có thể xảy ra sớm và nhanh ở những người đọc, viết nhiều. Nếu kính dùng lâu (quá 5 năm) vẫn đọc được, hoặc dùng kính số thấp hơn kính đang dùng mà thấy rõ hơn, có thể đã bắt đầu bị đục thể thủy tinh, cần phải đi khám chuyên khoa mắt để xác định rõ bệnh.
Lời khuyên của thầy thuốc
Mặc dù bạn không thể phòng tật lão thị nhưng bạn có thể giúp bảo vệ mắt và thị lực của bạn, bằng cách kiểm tra mắt định kỳ; kiểm tra các bệnh lý nghiêm trọng: các bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp; đeo kính mát để bảo vệ mắt khỏi ánh sáng mặt trời; đeo kính bảo vệ mắt không bị chấn thương; có chế độ ăn giàu dinh dưỡng, luân phiên thực phẩm; đeo đúng kính; sử dụng ánh sáng phù hợp; nhận biết các triệu chứng bất thường tại mắt.
BS. Trần Hồng Khương
Theo suckhoedoisong.vn