Cập nhật: 25/09/2016 14:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tam Đảo không chỉ nổi tiếng là khu nghỉ dưỡng lý tưởng mà còn là nơi du lịch tâm linh, ẩn chứa nhiều huyền thoại.

Khách hành hương, vãn cảnh tại các khu di tích Tam Đảo

Hệ thống các di tích ở dải Tam Đảo khá dày đặc. Ngay từ cây số 13 đã có Đền Mẫu (ĐềnChân Suối), tiếp nối là Đền Cậu, Đền Cô; tới cây số 18 là Đền Nhị Vị Vương Cô Nhà Trần;tiếp đến là Đền Trần. Tới đỉnh cao nhất của dãy Tam Đảo là Đền Chúa thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, Đền thờ Quốc Mẫu Vua Bà và chùa Vàng. Mỗi một di tích lại có một huyền sử khác nhau, nhưng đặc biệt nhất phải kể đến Đền Chúa thờ Bà Chúa Thượng Ngàn - ngôi đền trầm mặc với khí thiêng núi rừng, ở độ cao hơn 1.487m so với mặt nước biển. Để tới đó, du khách phải có sự kiên trì bước qua 300 bậc đá thoải được che mát bởi những hàng trúc xanh mát. Đến đây, du khách như lạc vào một thế giới đầy bí ẩn và huyền ảo.

Giống đặc trưng của những ngôi chùa linh thiêng ở miền Bắc, Đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn gắn liền với núi cao, linh thiêng - một trong những đền thờ dành cho ba vị Mẫu được thờ theo tín ngưỡng dân gian của người Việt, chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung. Đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn với thiết kế khá độc đáo, bên trong nguy nga, đồ sộ; bên ngoài đền có treo bảng sơn nền đỏ, chạm 4 chữ màu vàng Lĩnh Chủ Linh Từ. Đền Chúa là nơi nổi tiếng nhất của thị trấn Tam Đảo. Theo truyền thuyết, hồi đầu thế kỷ 20, khi Pháp khám phá ra thung lũng xinh đẹp này, biến nơi đây thành khu nghỉ mát dành cho giới quan chức. Khi thực dân Pháp cho làm các con đường dẫn lên Tam Đảo, có một nhà thầu phụ người Việt đã bỏ tiền xây đền Chúa. Giữa sân đền có một cây cột vuông màu trắng cao vút, một mặt khắc dòng chữ: “Nguyện xin hòa bình đến với toàn thể nhân loại trên thế giới”. Ba mặt kia khắc các dòng chữ Nhật, Anh và Pháp cùng một nội dung. Cột này do vợ chồng một người Ấn Độ xây tạ ơn Bà đã cho họ một đứa con hằng mong mỏi. Từ đó, người ta đồn rằng, Đền Quốc Mẫu Vua Bà linh thiêng, là nơi cầu xin tình duyên và con cái. Hiện nay, đền đã được xây dựng ngày càng khang trang hơn do sự đóng góp của nhiều nhà hảo tâm.

Từ Đền Chúa qua Đền Quốc Mẫu Vua Bà có khoảng sân rộng với nhiều pho tượng đá trắng. Mỗi vị đứng hoặc tọa thiền trong một tư thế khác nhau tạo cảm giác ở chốn bồng lai, tiên cảnh. Tiếp sau là 121 bậc đá xanh cùng hai hàng tay vịn bằng đá xanh chạm khắc hoa văndẫn lên Chùa Vàng. Theo đồng chí Trần Quang Thà, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo kiêm Trưởng Ban quản lý Khu di tích Tam Đảo cho biết: "Với các đền, chùa ở Tam Đảo, nhiều năm nay thu hút không ít khách du lịch, nhất là Đền Chúa. Dù vậy, Tam Đảo không có hiện tượng mê tín, bói toán, xóc thẻ hay các tệ nạn quanh các khu di tích này. Chủ nhang ở các đền đều có trách nhiệm. Hoạt động tín ngưỡng nơi đây không bị biến tướng".

Bà Nguyễn Thị Thư, Chủ nhang Đền Đức Thánh Trần chia sẻ: "Tôi trông coi đền đã 20 năm, biết bao du khách thập phương tới đây nhưng hầu hết đều tuân thủ các nghi lễ truyền thống, đặt lễ, tiền đúng nơi quy định...".

Đến Tam Đảo, du khách dần hài lòng với phong cách phục vụ tại đây; không có hiện tượng ăn xin hay chèo kéo du khách. Tại các đền, chùa không có tình trạng rút thẻ, xem bói...Chị Nguyễn Việt Tú (Hà Nội) cho biết: "Năm nào tôi cũng đi lễ tại các đền ở Tam Đảo, tôi bắt đầu cuộc hành trình từ Đền Mẫu tới Đền Chúa. Đến đây, chúng tôi có cảm giác thanh thảnvà linh thiêng vì các đền, chùa đều giữ được nét đẹp văn hóa tín ngưỡng truyền thống".

ST

Tệp đính kèm